Sẵn hành lang pháp lý biến phế thải thành nguyên liệu sản xuất

09:28' - 18/06/2017
BNEWS Mặc dù các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đã quan tâm xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao thải ra nhưng lượng tro, xỉ, thạch cao được xử lý và đưa vào sử dụng vẫn còn hạn chế.
Sẵn hành lang pháp lý biến phế thải thành nguyên liệu sản xuất. Ảnh minh họa: TTXVN
Thực hiện Quyết định 1696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), thời gian qua, các bộ, địa phương đã tích cực triển khai nhiệm vụ được giao.

Mặc dù các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đã quan tâm xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao thải ra, tuy nhiên, lượng tro, xỉ, thạch cao được xử lý và đưa vào sử dụng vẫn còn hạn chế.

Theo số liệu điều tra thực tế, tổng lượng tro, xỉ, thạch cao chỉ tiêu thụ được hơn 30% (tương đương 5 triệu tấn/năm) so với tổng lượng thải ra hàng năm.

Để cải thiện tình hình này, Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng.

Mục tiêu của Đề án là đẩy mạnh sử dụng, tái sử dụng tro, xỉ, phosphopygsum (thạch cao PG) để đến năm 2020, lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón nhỏ hơn tổng lượng phát thải trong 2 năm sản xuất.

Như vậy, từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ xử lý và tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng chiếm 52% tổng lượng tích lũy. Hiện một số cơ sở sản xuất VLXD đã nghiên cứu, đầu tư công nghệ để có thể sử dụng tro, xỉ, thạch cao thay thế nguyên liệu trong sản xuất vật liệu xây không nung, sản xuất xi măng, bê tông, làm vật liệu san lấp trong các công trình xây dựng.

Các doanh nghiệp tham gia đề án chia sẻ, họ rất phấn khởi khi Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã nhập cuộc với việc ban hành Quyết định số 936/QĐ- BKHCN công bố tiêu chuẩn TCVN 11833:2017 thạch cao phospho (thạch cao nhân tạo) dùng để sản xuất xi măng.

Theo đó, các căn cứ pháp lý trong việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng đang tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh khẳng định, việc tìm giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón, nhất là tại “điểm nóng” như Công ty cổ phần DAP – Vinachem là rất cấp bách. Đơn vị này được dẫn chứng với bãi thải của Nhà máy DAP Đình Vũ hiện đã tồn hơn 2,5 triệu tấn, chất cao như núi. Trong khi đó, hàng năm, nhà máy này vẫn tiếp tục thải ra khoảng 600.000 tấn bã thải PG.

Một trong những mô hình khá thành công thời gian qua là việc xử lý thành công bã thải PG (phosphogypsum) thành thạch cao nhân tạo tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ. Hàng loạt đơn vị đã chủ động phối hợp nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xử lý bãi thải Nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ như: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Công ty cổ phần DAP - Vinachem, Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ, Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường.

Đặc biệt, Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường đã chủ trì thực hiện đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết chế chế tạo dây chuyển xử lý PG của DAP Đình Vũ, làm phụ gia cho xi măng và làm nguyên liệu để sản xuất tấm thạch cao xây dựng”.

Ngay như Công ty cổ phần DAP – Vinachem cũng đã chủ động góp vốn đầu tư cho Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ nhằm tìm kiếm các giải pháp xử lý bã thải. Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ đã chủ động phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, thiết kế, hoàn thiện công nghệ xử lý chất thải PG để sản xuất thạch cao phospho. Đây là lĩnh vực công nghệ chưa được quan tâm, phổ biến nhiều ở các nước nên các đơn vị ở Việt Nam không thể nhập được thiết bị công nghệ đồng bộ để sản xuất.

Ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ cho hay, ngay sau khi được thành lập (năm 2010), đơn vị đã huy động vốn để triển khai dự án xử lý bã thải PG tại DAP Đình Vũ để sản xuất thạch cao phosphor; đồng thời chủ động phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, thiết kế, chế tạo đồng bộ dây chuyền công nghệ, với giá trị đầu tư khoảng 245 tỷ đồng.

Hiện Công ty đã hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải PG tạo ra sản phẩm thạch cao nhân tạo dạng bột, viên làm phụ gia sản xuất xi măng và các VLXD khác. Sản phẩm này đã được thử nghiệm tại Viện Vật liệu xây dựng và đưa vào sản xuất thử nghiệm công nghiệp tại các Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Hải Phòng, Bút Sơn, Tam Điệp, Nghi Sơn và được đánh giá đạt yêu cầu.

Sau nhiều lần thí nghiệm, Công ty Xi măng Nghi Sơn với vốn đầu tư Nhật Bản đã chính thức ký hợp đồng mua thạch cao phospho của Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ để phục vụ sản xuất xi măng cho năm 2017 và các năm tiếp theo. Đây là những tín hiệu đáng mừng cần được ghi nhận.

Hiện Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ cũng đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 650.000 tấn/năm. Sau khi sản xuất và tiêu thụ ổn định, Công ty sẽ tiếp tục lắp đặt bổ sung và hoàn thiện đồng bộ dây chuyền công nghệ, dự kiến sẽ đạt công suất 1,2 triệu tấn thạch cao bột và 1 triệu tấn thạch cao viên trong năm 2017.

Như vậy, Công ty sẽ xử lý hết lượng bã thải PG tồn đọng cũng như lượng bã thải phát sinh hàng năm và thời gian tới sẽ triển khai cung cấp thạch cao cho các nhà máy xi măng khu vực phía Bắc như Sông Thao, Thăng Long…

Để hỗ trợ, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất xi măng, VLXD trong nước tích cực sử dụng nguồn thạch cao nhân tạo sản xuất trong nước. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Tổng công ty Vicem, yêu cầu chỉ đạo các nhà máy xi măng nghiêm túc triển khai thực hiện việc nghiên cứu, sử dụng tối đa tro xỉ, thạch cao, thay thế đất sét và làm phụ gia trong việc sản xuất xi măng...

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Kiều Văn Mát đề xuất về cơ chế vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp để hạ giá thành sản phẩm hoặc miễn thuế VAT 5-7 năm đối với đơn vị sản xuất và sử dụng thạch cao phospho. Ngoài việc Bộ Xây dựng chỉ đạo, khuyến khích các đơn vị sử dụng thạch cao phospho sản xuất trong nước thay thế thạch cao tự nhiên nhập khẩu, ông Mát đề nghị thành phố Hải Phòng cấp thêm đất từ bãi chứa của Công ty DAP Đình Vũ để Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ có đủ diện tích phục vụ sản xuất…

Tuy nhiên, một số đơn vị cho rằng, không nên để cho một đơn vị độc quyền trong xử lý bã thải PG. Dây chuyền công nghệ xử lý cần được hoàn thiện và nâng cao công suất thì mới đủ đáp ứng yêu cầu thực tế.

Mặt khác, nếu sản phẩm thạch cao nhân tạo hội tụ đủ 3 yếu tố (chất lượng, hiệu quả kinh tế, bảo đảm môi trường) thì cần đẩy mạnh việc tiêu thụ, trên tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, thay cho việc nhập khẩu thạch cao tự nhiên từ nước ngoài.

Việc tiêu thụ sản phẩm thạch cao nhân tạo cũng cần được mở rộng bởi nếu chỉ riêng sản xuất xi măng thì cũng không thể tiêu thụ hết được lượng thạch cao sản xuất ra hàng năm.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh, việc cân đối công suất các nhà máy xử lý cũng cần phải tính đến. Đặc biệt, tránh máy móc trong việc yêu cầu đơn vị sử dụng thạch cao nhân tạo trong sản xuất VLXD phải đánh giá lại tác động môi trường. Như vậy sẽ làm khó cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh khẳng định, cơ sở pháp lý trong việc xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất đã rất rõ, có từ năm 2014 với Quyết định 1696/QĐ-TTg. Mới đây nhất, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 452/QĐ-TTg; trong đó đề cập rõ trách nhiệm từng các bộ, ngành.

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến công tác xử lý tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất VLXD đang tiếp tục hoàn thiện. Mới đây, TCVN 11833:2017 đã được ban hành, là tiêu chuẩn rất quan trọng trong việc dùng thạch cao phospho để sản xuất xi măng.

Xử lý tro, xỉ, thạch cao là vấn đề của Quốc gia. Đề án 452/QĐ-TTg còn mới nên thời gian tới, các bộ, ngành, đơn vị liên quan cần có sự phối hợp tốt trong việc triển khai nhiệm vụ của đề án. Cùng với việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ xử lý tro, xỉ, thạch cao thì cũng cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phố biến để Đề án triển khai hiệu quả - Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục