Sản lượng cao giúp PVCFC hoàn thành 69% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm

18:44' - 18/03/2020
BNEWS PVCFC cho biết, mặc dù chỉ tiêu về tiêu thụ và doanh thu ước thực hiện 2 tháng đầu năm thấp hơn so với kế hoạch nhưng lợi nhuận như trên là do sản lượng sản xuất cao với công suất bình quân đạt 110%.
Dây chuyền vận chuyển sản phẩm nên trong Nhà máy Phân đạm Cà Mau. Ảnh: PVCFC

Theo kết quả sản xuất 2 tháng đầu năm vừa được Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán DCM) công bố, sản lượng phân đạm ure của doanh nghiệp đạt 157.000 tấn, vượt 17% kế hoạch, giúp lợi nhuận đạt 34,73 tỷ đồng, bằng 69% kế hoạch cả năm 2020.

PVCFC cho biết, mặc dù chỉ tiêu về tiêu thụ và doanh thu ước thực hiện 2 tháng đầu năm thấp hơn so với kế hoạch nhưng lợi nhuận như trên là do sản lượng sản xuất cao với công suất bình quân đạt 110%. Bên cạnh đó, các chi phí phát sinh chưa nhiều và tỷ giá đi ngang dẫn đến chi phí vốn trong kỳ thấp.

Tuy nhiên, trong hai tháng qua, PVCFC vẫn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Đó là tình hình xâm nhập mặn đến sớm hơn so với mọi năm với nồng độ nhiễm mặn cũng cao hơn trước rất nhiều.

Thống kê từ đầu năm đến nay có khoảng 300.000 ha ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng xâm nhập mặn trong khi đây là thị trường tiêu thụ phân bón chủ lực của PVCFC.

Những yếu tố này khiến nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân suy giảm từ 15%-20% do thu hẹp diện tích trồng lúa; chuyển đổi cơ cấu diện tích cây trồng sang nuôi trồng thủy hải sản.

Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 làm xuất khẩu nông sản sang nhiều thị trường chính, đặc biệt là thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến thu nhập của bà con nông dân, khả năng thu hồi nợ của hệ thống phân phối, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước và sức mua của hệ thống sụt giảm.

Để vượt qua những khó khăn này, PVCFC đã chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, tăng cường quản trị doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới… để tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với thế mạnh về thương hiệu tại các thị trường mục tiêu như Tây Nam Bộ, Campuchia, Đạm Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ tại các khu vực không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý về nông nghiệp hướng dẫn bà con thay đổi thời gian, kỹ thuật, giống canh tác ứng phó với hạn, mặn.

Kho sản phẩm của Nhà máy Phân đạm Cà Mau. Ảnh: PVCFC

PVCFC đã phối hợp cùng các sở, ngành của tỉnh Sóc Trăng triển khai xây dựng mô hình trình diễn giống lúa mới và quy trình canh tác lúa tiên tiến; hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón hiệu quả, hỗ trợ kiểm tra độ mặn, khuyến cáo thời điểm thích hợp để lấy nước vào ruộng…

Mô hình đã mang lại những hiệu quả ban đầu, từng bước thay đổi tư duy sản xuất cũ, giúp bà con chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, canh tác hiệu quả, bền vững.

PVCFC cho biết, trước diễn biến của dịch COVID-19, công ty cũng nhanh chóng triển khai kế hoạch ứng phó và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống theo khuyến cáo và chỉ đạo từ Chính phủ và các bộ, ngành.

PVCFC cũng đồng thời đưa ra các giải pháp linh hoạt trong sản xuất kinh doanh đảm bảo luôn bám sát mục tiêu và kế hoạch đề ra như: Vận dụng linh hoạt các hình thức trực tuyến để triển khai công việc; đa dạng hoá các hình thức quảng bá thương hiệu sản phẩm; xây dựng diễn đàn đối thoại, tăng cường hợp tác giữa các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và trong ngành phân bón để hình thành các nhóm chuyên môn trong các lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu và dự báo thị trường nhằm khai thác, cập nhật thông tin kịp thời, tận dụng lợi thế, thế mạnh sẵn có giữa các bên.

Vừa qua PVCFC đã ký kết hợp tác với VietFarm để nghiên cứu đầu tư, kinh doanh mảng phân bón hữu cơ vi sinh nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển đa dạng sản phẩm, chú trọng các dòng phân bón hữu cơ, vi sinh ứng dụng khoa học công nghệ cao phù hợp với xu thế thị trường và định hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại.

PVCFC cho biết, mặc dù khó khăn vẫn ở phía trước nhưng trong những tháng tới đây, doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ phân bón.

Cụ thể, xuất khẩu gạo trong hai tháng qua đã tăng 27% về sản lượng và tăng  32,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá xuất khẩu tăng 10% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 12 tháng qua.

Đồng thời, theo dự báo nhu cầu tích trữ gạo gia tăng trong bối cảnh dịch COVID- 19 sẽ hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất, qua đó thúc đẩy tiêu thụ phân bón.

Cùng với đó, việc giá dầu giảm mạnh cũng là tín hiệu tích cực giúp PVCFC giảm chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân đạm ure. Đây là những nhân tố thuận lợi để PVCFC đạt kết quả sản xuất kinh doanh tích cực của trong quý I/2020 này./.

>>>Đạm Cà Mau đặt mục tiêu gần 8.000 tỷ doanh thu trong năm 2020

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục