Sản lượng dầu thô của Libya giảm 63% do lệnh phong tỏa các mỏ dầu

08:47' - 31/08/2024
BNEWS Việc đóng cửa các mỏ dầu gần đây đã khiến tổng sản lượng dầu thô của quốc gia Bắc Phi này giảm khoảng 63%.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) ngày 30/8 cho biết, việc đóng cửa các mỏ dầu gần đây đã khiến tổng sản lượng dầu thô của quốc gia Bắc Phi này giảm khoảng 63%, giữa lúc cuộc xung đột giữa các phe phái đối địch ở miền Đông và miền Tây Libya vẫn diễn biến phức tạp.

 

Hàng loạt mỏ dầu ở Libya đã bị phong tỏa khi chính quyền ở miền Đông yêu cầu Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) đóng tại thủ đô Tripoli rút lại quyết định thay thế Thống đốc Ngân hàng Trung ương Libya (CBL). Người đứng đầu CBL có vai trò quan trọng trong việc quản lý, kiểm soát và phân phối nguồn doanh thu từ dầu mỏ cho các phe phái đối địch ở Libya.

Trong một tuyên bố, NOC cho biết việc đóng cửa hàng loạt mỏ dầu đã khiến sản lượng dầu thô của Libya giảm mạnh và dẫn đến tình trạng xuống cấp của các cơ sở hạ tầng dầu mỏ cũng như ảnh hưởng lớn đến nỗ lực tăng sản lượng của nước này.

NOC nhấn mạnh, ngành dầu mỏ là xương sống của nền kinh tế Libya, đồng thời cho biết việc tái khởi động các mỏ dầu vốn đã dừng hoạt động sẽ đòi hỏi chi phí rất lớn. NOC cho biết thêm nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa các mỏ dầu không liên quan đến tập đoàn này. Hiện nay, các nhóm chuyên gia của NOC đang tiến hành đánh giá những thiệt hại do việc phong tỏa các mỏ dầu gây ra.

Chính quyền ở miền Đông tuyên bố đóng cửa mọi hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của Libya cho đến khi Hội đồng Tổng thống Libya và GNU được quốc tế công nhận đóng tại Tripoli khôi phục chức Thống đốc CBL cho ông Sadiq Al-Kabir.

Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya Mohammed Al-Menfi đã cách chức Thống đốc CBL Sadiq Al-KabirKabir vào đầu tháng 8/2024. Tuy nhiên, động thái này đã bị Hạ viện Libya có trụ sở ở miền Đông và Quân đội Quốc gia Libya của Tướng Khalifa Haftar bác bỏ.

Chủ tịch Hạ viện Libya Aqila Saleh nêu rõ lệnh phong tỏa đối với ngành dầu khí sẽ tiếp tục cho đến khi Thống đốc CBL Sadiq Al-Kabir, người đã bị Hội đồng Tổng thống Libya sa thải, được phục chức. Ông Saleh nhấn mạnh việc đóng cửa các mỏ dầu là biện pháp "bảo vệ tài sản của người dân Libya khỏi bị bóc lột và đánh cắp, cũng như bảo vệ tài nguyên quốc gia".

Cuộc khủng hoảng xung quanh quyền kiểm soát CBL có nguy cơ đẩy Libya vào tình trạng bất ổn mới. Libya, một trong những nước sản xuất dầu hàng đầu trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), bị chia rẽ giữa chính quyền ở miền Đông và GNU ở miền Tây. Hồi tháng 7/2024, Libya đã ghi nhận mức sản lượng khoảng 1,18 triệu thùng/ngày.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục