Sẵn sàng để trở lại mạnh mẽ hơn

18:26' - 12/02/2021
BNEWS Bằng sự sáng tạo, linh hoạt và nỗ lực của những người đứng đầu và sự chung sức của tập thể, nhiều doanh nghiệp đã vững vàng bước qua khó khăn và tiếp tục ứng phó với diễn biến mới của dịch.

Năm Canh Tý 2020 đi qua với nhiều thăng trầm từ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bằng sự sáng tạo, linh hoạt và nỗ lực của những người đứng đầu và sự chung sức của tập thể, nhiều doanh nghiệp đã vững vàng bước qua khó khăn và tiếp tục ứng phó với diễn biến mới của dịch. Dưới đây là những chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp với phóng viên TTXVN về những cố gắng trong năm qua để hướng tới một năm mới Tân Sửu 2021 tươi mới.

* Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC): Tận dụng hiệu quả thị trường ngách

Với các giải pháp sản xuất và kinh doanh linh hoạt, PVCFC là một trong số ít các doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 vượt trội trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí chật vật chống chọi với khó khăn kép khi dịch COVID-19 bùng phát và giá dầu giảm sâu.

Nhà máy đạm Cà Mau của PVCFC không có cảng nước sâu, phải vận chuyển phân bón bằng sà lan từ nhà máy tại Cà Mau ra phao số 0 nên chi phí logistics tới 12 USD/tấn. Điều này khiến giá bán phân bón Cà Mau không thể cạnh tranh như các doanh nghiệp sản xuất phân bón urê khác.

Tuy nhiên, PVCFC đã tận dụng triệt để các cơ hội để xuất khẩu vào các thị trường ngách như Bangladesh, Srilanka, Brazil. Đây là những thị trường có nhu cầu phân đạm urê cao nhưng ít thuận lợi cho xuất khẩu.

Đặc biệt, tận dụng cơ hội Ấn Độ giảm nhập khẩu phân bón của Trung Quốc do căng thẳng giữa hai nước, PVCFC đã xuất khẩu thành công phân bón vào thị trường này.

Cùng với việc tận dụng thị trường ngách để xuất khẩu, công ty đã triển khai các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Thực tế, do chính sách thuế VAT với phân bón hiện hành, các nhà máy sản xuất NPK phối trộn trong nước vẫn đang nhập khẩu khoảng 120-150 nghìn tấn đạm urê/năm làm nguyên liệu đầu vào trong khi nguồn cung urê trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng.

Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ tiềm năng này tại thị trường trong nước, PVCFC đã tăng cường đối thoại với các nhà phân phối giảm nhập khẩu phân đạm urê, thay vào đó sử dụng sản phẩm phân bón Cà Mau để thay thế. Nhờ vậy, PVCFC đã tận dụng được tối đa phân khúc này để đẩy mạnh tiêu thụ phân đạm Cà Mau tại thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá dầu thế giới xuống thấp khi nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm mạnh do tác động của dịch COVID-19, PVCFC đã tận dụng cơ hội giá khí đầu vào rẻ để tăng tối đa công suất sản xuất phân bón.

Nhờ các giải pháp linh hoạt, năm 2020, sản lượng tiêu thụ urê tăng 16% so với năm 2019. Doanh thu đạt 7.256 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 657 tỷ đồng. tăng 43% so năm 2019.

* Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank): Sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng

Từ tháng 4 năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Agribank đã xây dựng các kịch bản kinh doanh ứng phó với diễn biến dịch bệnh; trong đó nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh thông qua các biện pháp cơ cấu lại dư nợ, miễn giảm lãi suất, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và miễn giảm phí dịch vụ thanh toán. Sẵn sàng cho kịch bản này, Agribank đã xây dựng kế hoạch lợi nhuận 2020 ở mức 12.500 tỷ đổng, giảm gần 15% so với năm 2019.

Bằng các hành động cụ thể, Agribank tiên phong hỗ trợ khách hàng với 7 lần giảm lãi suất cho vay; trong đó 4 lần giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên; 9 lần giảm phí dịch vụ. Ngân hàng thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với trên 38.000 tỷ đồng; trong đó cơ cấu lại nợ cho trên 14.000 khách hàng. Agribank miễn, giảm lãi trên 5.000 tỷ đồng với trên 1.400 khách hàng; thực hiện cho vay mới gần 120.000 tỷ đồng cho trên 20.000 khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19; trong đó cho vay theo chương trình ưu đãi lãi suất đạt hơn 74.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, Agribank vẫn sẵn sàng đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và 14 triệu hộ nông dân Việt Nam vượt qua khó khăn, đón thời cơ phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19.

Agribank đang triển khai các gói tín dụng có lãi suất ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp với tổng giá trị lên tới 70.000 tỷ đồng và 150 triệu USD. Đây là những gói tín dụng có lãi suất hợp lý, mục đích đáp ứng nhanh chóng nhu cầu và chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến đối tượng khách hàng là doanh nghiệp trong cả nước.

Trong bối cảnh hiện nay, Agribank trên cơ sở đánh giá sơ bộ tình hình khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra để đưa ra những giải pháp cụ thể, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, từ đó hỗ trợ và giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.

* Ông Lê Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tôn mạ VnSteel Thăng Long: Cập nhật kịp thời diễn biến thị trường

Ngay từ đầu năm kế hoạch, đặc biệt là thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng tại Việt Nam, Công ty cổ phần Tôn mạ VnSteel Thăng Long đã xác định rõ nhiệm vụ là phải vừa thực hiện mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch bệnh.

Trước hết, về bán hàng, chúng tôi đã quán triệt dứt điểm các đơn vị, theo dõi, cập nhật kịp thời những diễn biến tình hình thị trường nguyên liệu, tôn mạ. Từ những thông tin đó, xây dựng các kịch bản để triển khai kế hoạch, chính sách bán hàng linh hoạt, phù hợp.

Đồng thời cải tiến phương thức bán hàng, thay đổi cơ cấu mặt hàng, cân đối tỷ trọng giữa tôn mạ kẽm và tôn mạ màu phù hợp để tăng hiệu quả.

Về mua nguyên liệu vật tư cho sản xuất, năm qua thị trường này biến động rất khó lường. Vì thế, công ty phải luôn đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên nhiên liệu; cân đối kế hoạch mua, bán hàng, tồn kho hợp lý. Đặc biệt là tăng cường tính liên kết, mua nguyên liệu, sản phẩm lẫn nhau trong khối Tổng công ty để cùng nhau vượt khó.

Trong chăm sóc khách hàng, công ty rất chú trọng để có thể giữ thị phần hiện có và phát triển ở các sản phẩm, lĩnh vực mới. Chúng tôi đã xây dựng được hệ thống khách hàng thân thiết và nhận được sự ủng hộ, đồng hành rất lớn. Đây là một thuận lợi để công ty vượt khó và giữ vững thị phần.

Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, sự cạnh tranh giữa các đơn vị trong ngành phải bắt nguồn từ gốc, nghĩa là tạo ra những sản phẩm tốt, có ưu thế nhất định, luôn đảm bảo chất lượng. Chúng tôi đã không ngừng đầu tư, nâng cấp dây chuyền công nghệ; hướng đến sự hài lòng của khách hàng, mong muốn đem đến cho khách hàng những giá trị lợi ích cao nhất. Từ đó, xây dựng thương hiệu bằng chính đánh giá quý báu của khách hàng cho dòng sản phẩm tôn mạ kẽm, tôn mạ màu do công ty sản xuất và phân phối.

* Bà Phạm Thị Thu Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (Bababi): Chế biến sâu nâng tầm giá trị sản phẩm

Thấu hiểu việc nuôi trồng bị ảnh hưởng thì không chỉ bà con bị ảnh hưởng mà chính các doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ có nguy cơ bị mất vùng nguyên liệu và có thể bị dừng sản xuất.

Vì vậy, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến vùng nuôi ngao, hàu Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh bị tê liệt đầu ra do chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và phục vụ du lịch, công ty đã cùng chính quyền huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh tìm cách giải cứu giúp người nuôi trồng.

Cụ thể, công ty phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại Quảng Ninh tổ chức "Xúc tiến lưu động đẩy mạnh tiêu thụ hàu, ngao Vân Đồn" tại các chợ trung tâm, truyền thống trong, ngoài tỉnh Quảng Ninh.

Về phía công ty thông qua các hiệp hội doanh nghiệp địa phương và toàn bộ kênh đại lý của Bavabi đã tổ chức tiêu thụ ngao, hàu vào các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Ninh Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ...

Tuy nhiên với sản lượng ngao 2 cùi ước tính khoảng 7.000 tấn, những nỗ lực của công ty như muối bỏ bể. Vì vậy, thay vì vận chuyển hàng tươi sống vất vả, lại rủi ro cao trong khi vốn đã có kinh nghiệm sản xuất các loại ruốc từ thủy sản, công ty chuyển sang chế biến ruốc ngao 2 cùi.

Bavabi đã lập tức tập trung nghiên cứu để nhanh chóng ra sản phẩm ruốc ngao 2 cùi có thể bảo quản 9 tháng trong nhiệt độ thường và vận chuyển dễ dàng đến tất cả các tỉnh, thành khác trong cả nước. Từ đây, con ngao cũng như hàu, mực, tép có thể chế biến sâu để nâng tầm giá trị và mở rộng thêm được nhiều thị trường. Hơn nữa, ngao 2 cùi được đánh giá thịt ngon bậc nhất và giá trị dinh dưỡng rất cao. Việc sản xuất được sản phẩm ruốc ngao 2 cùi cũng sẽ giúp cho người dân có cơ hội được trải nghiệm một sản phẩm ruốc mới tiện lợi, ngon và giàu dinh dưỡng.

Hiện sản phẩm ruốc ngao 2 cùi đã trở thành một mặt hàng chính của Bavibi và được đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước và nhiều trường học tại các tỉnh, thành phố.

* Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc C.P. Việt Nam: Hướng tới sản xuất kinh doanh bền vững

Với mô hình sản xuất khép kín, kinh doanh đa ngành trong lĩnh vực chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm, C.P. Việt Nam đề cao việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ nhằm đảm bảo sự hài lòng của khách hàng.

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, C.P. Việt Nam luôn mở rộng, phát triển, đa dạng các ngành nghề đồng thời áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu tác động vào môi trường, cân bằng hệ sinh thái hướng đến sản xuất kinh doanh bền vững.

Riêng trong năm 2020, để vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19, công ty khánh thành nhà máy sản xuất khẩu trang và trao tặng 8 triệu khẩu trang y tế cho các tuyến đầu chống dịch, tổ chức các hoạt động từ thiện như mở “Quán cơm dã chiến”- trao cơm cho những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19...

Song song đó, hưởng ứng phong trào của tập đoàn, C.P. Việt Nam đã tham gia các dự án về phát triển bền vững với các hạng mục như: Hạt giống của những điều tốt; Mầm cây của sự hy vọng; Bóng cả của sự bền vững... Đây là các dự án đã và đang được triển khai tại Việt Nam để hướng tới sự phát triển bền vững của cộng đồng xã hôi.

Theo đó, công ty tập trung giải quyết một số vấn đề có liên quan như tạo việc làm ổn định, hỗ trợ người lao động tăng thu nhập để giúp họ có mức sống tốt hơn, có khả năng phát triển bản thân một cách bền vững hơn. Bên cạnh đó, giúp tạo thêm giá trị cho xã hội, hỗ trợ sức khỏe, tăng cường khả năng kiểm soát của các cá nhân, gia đình, cộng đồng. Một số dự án còn mang ý nghĩa giáo dục, giúp những người kém may mắn, người khuyết tật được tiếp cận cơ hội học tập; đồng thời thúc đẩy cộng đồng sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả và giảm thiểu tác động của cộng đồng tới môi trường sống xung quanh.

*Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex: Đồng hành với doanh nghiệp

Năm 2021, xuất khẩu dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 38-39 tỷ USD, tương đương năm 2020. Dự báo thời gian tới, nhu cầu về dệt may thế giới vẫn còn thấp, vì vậy, 2021 vẫn còn là năm khó khăn với toàn ngành.

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất…; có chính sách cụ thể cho công nghiệp hỗ trợ dệt may, kể cả không gian và các điều kiện kích thích phát triển.

Ngoài ra, các địa phương ủng hộ dệt may phát triển trên nguyên tắc bền vững, sản xuất sạch mà dệt may phải tuân thủ theo các quy ước toàn cầu của chuỗi cung ứng; đồng thời, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tiết giảm được chi phí ngoài sản xuất, nhất là chi phí logistics thông qua quy hoạch mạng lưới logistics quốc gia cùng các chi phí phi thuế quan khác và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thông qua hướng dẫn các quy trình đáp ứng quy tắc xuất xứ…

Năm vừa qua, đã chứng kiến tác động rất lớn của dịch bệnh COVID-19. Nhưng với sự đồng lòng và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, Việt Nam đã kiểm soát và phòng chống dịch tốt. Việt Nam là nước duy nhất trong top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới không bị cách ly và không bị dừng sản xuất.

Tuy vậy, dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp tới kết quả sản xuất-kinh doanh của ngành. Năm 2020 là năm đầu tiên sau 25 năm xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng âm 10,5%, tức là chỉ đạt 35 tỷ USD, giảm so với con số 39 tỷ USD năm 2019.

Để vượt qua khó khăn này về nội tại, năm qua ngành dệt may đã chủ động chuỗi cung ứng nguyên liệu bị gián đoạn bằng nhiều giải pháp tổng hợp, như dịch chuyển nguồn cung; tham gia ngay từ đầu sản xuất các sản phẩm bảo hộ cá nhân phục vụ phòng dịch trong nước và xuất khẩu, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Ngành dệt may đã xác định ngay từ đầu 2 tài sản quan trọng nhất phải quyết tâm bảo vệ là lực lượng lao động lành nghề và vị trí chuỗi cung ứng toàn cầu, với mục tiêu phải đủ năng lực phục hồi ngay khi thị trường trở lại. Chính nhờ sự quán triệt đó, ngành dệt may đã cơ bản đảm bảo việc làm cho lực lượng lao động rất lớn lên đến hơn 4 triệu người.

Trong lúc khó khăn do dịch bệnh, dù việc ít, thu nhập thấp đi nhưng vẫn trên mức tối thiểu và không làm mất việc người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Năm 2020, tuy kim ngạch xuất khẩu dệt may của Vinatex giảm 10%, lợi nhuận giảm 15% nhưng tiền lương chỉ giảm 4,5%, đạt trung bình 8,05 triệu đồng/người/tháng, giữ đủ việc làm cho 150.000 lao động cũng như chưa phải nhận các khoản trợ cấp cho lao động để giữ được vị thế doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

*Phó Tổng Giám đốc VICEM Hạ Long Vũ Văn Tặng: Tiết kiệm giảm chi phí

Năm 2021, dự báo tình hình thực tiễn trong nước cũng như thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh bởi nhiều yếu tố bất lợi. Vì thế, trong sản xuất xi măng, VICEM Hạ Long xác định việc đầu tiên là đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động. Tiếp đến, đẩy mạnh và áp dụng đổi mới sáng tạo, sử dụng nhiên liệu tái chế, tiết kiệm để giảm chi phí, giá thành. Năm 2021, VICEM Hạ Long đặt mục tiêu tăng trưởng từ 5-7%.

Giải pháp trọng tâm của VICEM Hạ Long đặt ra gồm: áp dụng đổi mới sáng tạo; đảm bảo ổn định môi trường cho sản xuất; tìm kiếm thị trường, mở rộng thêm khách hàng để có thể tiêu thụ thêm sản phẩm.

VICEM Hạ Long xác định, năm 2021, ngoài khách hàng truyền thống là  Phillipines và Trung Quốc, công ty tiếp tục ký kết với các nhà nhập khẩu khác từ một số nước như Bangladesh hay Peru và sang thị trường châu Âu.

Đối với thị trường trong nước, ngoài tiêu thụ nội địa từ các khu vực xung quanh tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, tỉnh lân cận, VICEM Hạ Long coi trọng và chú ý mở rộng thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và miền Tây Nam Bộ, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Công ty đã họp bàn chi tiết kế hoạch của năm 2021 để có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Năm 2020, Công ty xi măng Hạ Long (VICEM Hạ Long) đã chịu những ảnh hưởng nhất định trong quá trình sản xuất do một số nguồn cung về phụ gia trong thời điểm gián đoạn bị hạn chế. Cùng đó, việc cung cấp thiết bị thay thế từ nước ngoài cũng chậm.

Tuy nhiên, VICEM Hạ Long đã có kế hoạch chuẩn bị tốt, duy trì sản xuất vẫn ổn định. Đặc biệt khâu bảo vệ, phòng chống dịch được triển khai đồng bộ; kiểm soát chặt chẽ ngay cả đội ngũ công nhân, kỹ thuật ra - vào nhà máy, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong đại dịch.

Cùng đó là giải pháp sản xuất và mở rộng thị trường trong nước do ảnh hưởng từ xuất khẩu gặp khó khăn. Cụ thể, công ty áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo như sử dụng bùn thải đưa vào sản xuất giúp giảm chi phí, từ đó hạ giá thành sản phẩm; đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục