Sẵn sàng thí điểm dùng căn cước công dân gắn chip vào khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

12:09' - 02/03/2022
BNEWS Do việc xác thực thông tin công dân đang được hoàn thiện, người đi khám, chữa bệnh lần đầu nên mang theo thẻ bảo hiểm y tế kèm giấy tờ tuỳ thân có ảnh hoặc điện thoại thông minh có cài ứng dụng VssID.

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư (đã thực hiện chia sẻ khoảng 33 triệu lượt thông tin công dân có trong cơ sở dữ liệu về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực), xây dựng các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc tra cứu thông tin về thẻ bảo hiểm y tế qua thẻ căn cước công dân gắn chíp.

Theo đó, thông tin thẻ bảo hiểm y tế của nhiều người dân đã được tích hợp trong dữ liệu về căn cước công dân.

 

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành công văn hướng dẫn triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp. 

Để triển khai hiệu quả việc thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an) trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đã nâng cấp hệ thống phần mềm Cổng tiếp nhận thuộc Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế của ngành và sẵn sàng đáp ứng việc cung cấp thông tin thẻ bảo hiểm y tế để các cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu thông tin khi người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Cơ quan này cũng đã đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân về việc triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội địa phương, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp theo hướng dẫn của Bộ Y tế; truyền thông rộng rãi đến người tham gia bảo hiểm y tế về việc thực hiện căn cước công dân gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông báo tại các địa điểm trong cơ sở khám, chữa bệnh để người dân dễ tiếp cận nhất.

Do việc xác thực thông tin công dân giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang được hoàn thiện, người đi khám, chữa bệnh lần đầu nên mang theo thẻ bảo hiểm y tế kèm giấy tờ tuỳ thân có ảnh hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số.

“Trường hợp người bệnh bảo hiểm y tế đã thực hiện được việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID thì từ lần khám bệnh sau chỉ cần xuất trình căn cước công dân hoặc qua ứng dụng VENID”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết.

Theo cơ quan này, trường hợp căn cước công dân chưa kịp tích hợp dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế hoặc người tham gia bảo hiểm y tế chưa được cấp tài khoản VNEID, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế thực hiện việc khám, chữa bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện hành.

Theo đó, người bệnh xuất trình thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân thông báo và cung cấp tới các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tài liệu hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế thông qua căn cước công dân gắn chíp.

Việc tra cứu có thể thực hiện theo hai hình thức: Tra cứu trực tiếp trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế tại địa chỉ https://gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn (quét mã vạch/nhập trực tiếp), hoặc tra cứu bằng hàm tra cứu tự động (API).

Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội các địa phương, đơn vị hỗ trợ kịp thời cho cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và người tham gia bảo hiểm y tế trong quá trình sử dụng căn cước công dân gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đôn đốc, kiểm tra giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh để không xảy ra hiện tượng từ chối khám, chữa bệnh khi người dân cung cấp căn cước công dân gắn chíp mà thông tin này đã được đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo ông Lê Nguyên Bồng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), đến nay, 100% thủ tục hành chính của ngành đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4; một số thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động được rút ngắn thời gian từ 5 ngày xuống chỉ còn 1 ngày làm việc.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời cung cấp thêm 8 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công của ngành; kết nối, tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.  Đồng thời, triển khai rộng rãi ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số…

Với mục tiêu tạo mọi điều kiện thuận lợi, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần xây dựng chính phủ số, quốc gia số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp với Bộ Công an thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc tra cứu thông tin về bảo hiểm y tế qua thẻ căn cước công dân gắn chíp… đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, chí phí đi lại và nhất là đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg (phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030), có thể thấy, việc Bộ Công an, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là minh chứng rõ nét trong việc hướng tới nền hành chính hiện đại, chính phủ số, tạo điều kiện tối đa cho người có thẻ bảo hiểm y tế về các thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, không phát sinh bất kỳ thủ tục giấy tờ, thời gian thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh được tiết giảm tối đa. Theo đó, khi các cơ sở khám, chữa bệnh tích cực, chủ động triển khai công tác thí điểm này sẽ mang lại lợi ích thiết thực không chỉ cho người bệnh mà ngay cả trong khâu quản lý người bệnh của cơ sở khám, chữa bệnh./.

>>>Bị chậm trả thẻ căn cước, người dân cần liên hệ với đơn vị nào?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục