Sẵn sàng tiếp nhận vận hành Cụm công trình truyền tải giải tỏa công suất Nhiệt điện BOT Vân Phong 1

09:03' - 27/11/2022
BNEWS Theo kế hoạch, Cụm công trình truyền tải giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 phải hoàn thành trước ngày 26/12/2022.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) – đơn vị được giao quản lý vận hành dự án sau khi hoàn thành đã phối hợp với các đơn vị để sẵn sàng tiếp nhận. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Cường, Phó Giám đốc PTC3 xoay quanh chủ đề này.

BNEWS: Để chuẩn bị tiếp nhận vận hành Cụm công trình truyền tải 500 kV Vân Phong – Vĩnh Tân, PTC3 đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Phó Giám đốc Đinh Văn Cường: PTC3 nhận thấy đây là công trình trọng điểm truyền tải toàn bộ công suất từ Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 lên lưới truyền tải điện quốc gia, đồng thời tạo liên kết mạnh giữa hệ thống điện lưới 220 kV miền Trung với lưới 500 kV giải tỏa một lượng lớn công suất năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, tối ưu hóa sản xuất – truyền tải điện trong vận hành hệ thống điện quốc gia.

Vì vậy, PTC3 đã phối hợp với các cấp, ban ngành, chủ đầu tư, đơn vị thi công để bám sát góp ý ngay từ khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đến bản vẽ thi công cũng như chuẩn bị khởi công dự án; trong đó việc theo dõi, giám sát, nghiệm thu, công tác thí nghiệm, thử nghiệm, kiểm định thiết bị… luôn được PTC3 coi trọng để đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất. PTC3 đã tuyển dụng, đào tạo đội ngũ có trình độ cao, sẵn sàng tiếp nhận vận hành hệ thống. Đặc biệt, lực lượng này được trực tiếp theo dõi, nghiên cứu trong quá trình thi công đấu nối, lắp đặt để nắm bắt tình hình hoạt động của thiết bị.

Ngoài ra, PTC3 huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục theo quy định để đóng điện công trình vào vận hành thử nghiệm 24h, 48h, 72h, đặc biệt là thiết bị quan trọng như máy biến áp; chuẩn bị đầy đủ các quy trình vận hành thiết bị, phương án phòng cháy chữa cháy, làm việc với đơn vị phòng cháy chữa cháy để sẵn sàng hỗ trợ trong quá trình đưa dự án vào vận hành.

BNEWS: Đâu là khó khăn, thách thức của đơn vị trong quá trình phối hợp nghiệm thu dự án, thưa ông?

Phó Giám đốc Đinh Văn Cường: Do tính cấp bách của dự án, thời gian thi công ngắn, nhưng khối lượng thi công lớn nên việc hoàn thiện dự án phải có sự chỉ đạo sát sao của bộ, ngành. UBND tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã hỗ trợ rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, các nhà thầu không thể hoàn thiện sớm để nghiệm thu hàng loạt, buộc PTC3 phải có kế hoạch, phương án nghiệm thu cuốn chiếu (thi công đến đâu, nghiệm thu đến đó). Chính vì vậy, khó khăn lớn nhất đó là triển khai lực lượng phối hợp nghiệm thu trong thời gian kéo dài. PTC3 đã điều động lực lượng từ các truyền tải trực thuộc như Truyền tải điện Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng để hỗ trợ Truyền tải điện Ninh Thuận, Khánh Hòa trong công tác nghiệm thu.

Một trong những thách thức ảnh hưởng không nhỏ đó là thời tiết. Thời điểm nghiệm thu rơi vào mùa mưa, với địa hình rừng núi hiểm trở, đường sá lầy lội, việc phối hợp với nhà thầu thi công để nghiệm thu hành lang, các vị trí cột ngoài đường dây gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, kinh nghiệm người lao động PTC3 đã thay đổi nhiều phương án để hoàn thành khối lượng công việc như kế hoạch đề ra, hỗ trợ nhà thầu thi công, chủ đầu tư trong nghiệm thu tốt nhất.

 

BNEWS: Theo ông, việc tham gia nghiệm thu dự án ngay giai đoạn này mang lại thuận lợi như thế nào cho đơn vị, sau khi được giao tiếp nhận vận hành?

Phó Giám đốc Đinh Văn Cường: Việc phối hợp nghiệm thu giai đoạn này có ý nghĩa, lợi ích nhất định khi tiếp nhận quản lý vận hành. Đó là hiểu hết, nắm bắt được quá trình thi công, lắp đặt thiết bị kiểm soát được các tồn tại từ đó đôn đốc, yêu cầu nhà thầu khắc phục trước lúc đưa vào vận hành. Sự phối hợp chặt chẽ trong nghiệm thu, thử nghiệm, thí nghiệm cũng đánh giá được chất lượng thiết bị để có kế hoạch, phương án triển khai lực lượng phù hợp, vận hành thiết bị hợp lý. Nghiệm thu giai đoạn này cũng giúp công nhân vận hành trực tiếp nắm bắt được hệ thống nên khi tiếp nhận vận hành họ sẽ chủ động, đồng thời làm chủ được thiết bị điều đó giúp vận hành hệ thống an toàn, ổn định, tin cậy hơn.

BNEWS: Vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý vận hành các công việc khác, vừa phối hợp với nhiều đầu mối trên công trường với tiến độ công việc gấp rút, điều này có phải trở ngại đối với đơn vị không? Đơn vị đã đề ra giải pháp gì để thực hiện tốt, đồng bộ các phần việc trên?

Phó Giám đốc Đinh Văn Cường: Vừa phải thực hiện nhiệm vụ vận hành lưới điện hiện hữu, vừa quản lý, phối hợp dự án lớn gồm 3 dự án quan trọng, vừa liên quan đến nhiều dự án khác, có nhiều điểm giao chéo với đường dây đang vận hành, dự án đồng thời có Trạm biến áp 500 kV, đường dây 500 kV, đoạn đấu nối 220 kV, các ngăn xuất tuyến nằm tại các trạm biến áp khác nhau... Với khối lượng lớn như vậy thì giai đoạn đầu, PTC3 cũng gặp nhiều khó khăn, phải đưa ra nhiều phương án để họp bàn.

Khó khăn lớn nhất đó là lựa chọn phương án tối ưu trong quá trình phối hợp giám sát nghiệm thu.

Người lao động Truyền tải điện Khánh Hòa nghiệm thu dây dẫn và cách điện đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Khó khăn thách thứ hai đó là tuyển dụng được nhân tài, đáp ứng đủ năng lực, điều kiện để vận hành dự án quan trọng. Đồng thời tổ chức đào tạo lực lượng này trong thời gian ngắn để đáp ứng công việc.

Khó khăn thứ 3 đó là tư vấn góp ý với chủ đầu tư phương án đấu nối tối ưu, phương án vận hành sơ đồ tối thiểu để có kế hoạch triển khai dự án đáp ứng điều kiện tiến độ theo quy định để không vi phạm hợp đồng.

Đánh giá được khó khăn, nên PTC3 đã có kế hoạch chỉn chu, rõ ràng hợp lý, lựa chọn được phương án tối ưu nên giải quyết được mọi công việc thuận lợi. Đến thời điểm hiện tại, PTC3 khẳng định vai trò, tầm quan trọng của mình trong dự án này.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục