Sản xuất cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên phục vụ xây dựng

08:46' - 10/04/2021
BNEWS Để đáp ứng nguồn cát thay thế, phục vụ cho ngành xây dựng, tỉnh Ninh Thuận đang khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo.

Hiện nay, nhu cầu cát dùng cho xây dựng công trình ở Ninh Thuận đang tăng nhanh, trong khi đó, nguồn cát tự nhiên lại không đủ cung cấp. Chính vì thế, để đáp ứng nguồn cát thay thế, phục vụ cho ngành xây dựng, tỉnh Ninh Thuận đang khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng công nghiệp, dân dụng và đảm bảo cân bằng môi trường. 

Nắm bắt được nhu cầu cát dùng cho xây dựng đang tăng nhanh, trong khi nguồn cát tự nhiên không đủ cung cấp cho thị trường, Công ty cổ phần Xây dựng Ninh Thuận đã đầu tư 2 dây chuyền sản xuất cát nhân tạo với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Đây là hướng đi mới của công ty trong việc tạo ra cát nhân tạo, giúp giảm tải nguồn nguyên liệu cát tự nhiên đang có nguy cơ thiếu hụt như hiện nay.

Ông Lê Minh Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Ninh Thuận cho biết, trước đây, 70% lớp đất mặt tại các mỏ đá do công ty khai thác được dùng làm vật liệu san lấp, phần còn lại thải ra môi trường. Cách làm này không những không khai thác hết nguồn tài nguyên sẵn có ở lớp đất mặt mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường.

Để khai thác hết nguồn nguyên liệu từ lớp đất mặt này, năm 2019, Công ty cổ phần Xây dựng Ninh Thuận đã đầu tư 2 dây chuyền sản xuất cát nhân tạo, đưa lớp đất mặt vào nghiền mịn, rửa sạch cho ra thành phẩm là cát nhân tạo, còn lớp bùn sét được tách ra kết hợp với nguyên liệu khác dùng làm gạch. Với cách làm này, mỗi năm công ty sản xuất và cung cấp cho thị trường 80.000 m3 cát nhân tạo, với giá bán 240.000 đồng/m3, đó chưa kể sản phẩm gạch được sản xuất từ lớp bùn.

Thấy được hiệu quả các mặt mang lại, vừa qua, công ty đã đầu tư thêm 2 dây chuyền sản xuất cát nhân tạo, nâng công suất lên 200.000 m3/năm; qua đó, để đáp ứng thêm nhu cầu thị trường ngày càng tăng.

Ông Lê Minh Ngọc, Giám đốc Nhà máy Bê tông Ninh Thuận chia sẻ, từ năm 2019, nhà máy đã dùng cát nhân tạo do Công ty cổ phần Xây dựng Ninh Thuận sản xuất để thay thế hoàn toàn cát tự nhiên trong sản xuất bê tông, với khối lượng trên 400m3/ngày. Phải nói rằng, do dây chuyền rửa rất tốt nên sản phẩm cát đưa ra rất sạch và mịn.

Hơn nữa, trong quá trình nghiền, thành phần hạt cát rất đồng đều nên khi dùng sản xuất bê tông thì độ kết dính của bê tông đạt hiệu quả cao hơn so với sử dụng cát tự nhiên như trước đây. Việc dùng cát nhân tạo đã giúp nhà máy giảm khoảng 5% chi phí sản xuất; đặc biệt là chất lượng bê tông rất đảm bảo, được thị trường rất tin dùng.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận Hồ Ngọc Tiến cho biết, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chỉ có một doanh nghiệp là Công ty cổ phần Xây dựng Ninh Thuận đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo và được tỉnh cấp phép. Nhìn chung, sản phẩm cát nhân tạo được sản xuất đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của xây dựng công trình; đồng thời đáp ứng được nguyên liệu phục vụ trong quá trình đô thị hóa, giảm tải được việc sử dụng và khai thác cát tự nhiên quá mức như hiện nay. 

Theo đánh giá của Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận, tổng trữ lượng tài nguyên cát phục vụ cho ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh được dự báo khoảng hơn 12 triệu m3. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa diễn ra như hiện nay, nhu cầu cát phục vụ xây dựng tăng nhanh, khả năng thiếu hụt nguồn cát tự nhiên là rất lớn. Do đó đòi hỏi việc tạo ra nguồn cát nhân tạo để bổ sung, thay thế cát tự nhiên là rất cấp thiết cần được tính đến.

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tốc độ phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có sự phát triển của ngành xây dựng đã tạo sức ép rất lớn đối với nguồn tài nguyên. Hiện nay thực trạng nguồn tài nguyên cát cũng đang bị dần bị cạn kiệt do khai thác quá mức, khai thác không hợp lý…

Để có nguồn nguyên liệu dần thay thế, giảm áp lực khai thác và sử dụng cát tự nhiên, UBND tỉnh Ninh Thuận khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất cát nhân tạo và ưu tiên trong các công trình sử dụng vốn ngân sách.

Việc sản xuất cát nhân tạo phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định, đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ cho ngành xây dựng, giúp hạn chế tình trạng khai thác chui (cát tặc) xảy ra như hiện nay ở các sông, suối, gây ra vấn đề sạt lở, ô nhiễm, mất an ninh trật tự trị an…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục