Sản xuất công nghiệp TP HCM - Bài cuối: Bắt nhịp với Cách mạng công nghiệp 4.0

15:48' - 08/07/2020
BNEWS Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu quá trình sản xuất tự động hóa được tích hợp với con người và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, để bắt kịp cuộc cách mạng này, doanh nghiệp phải thực hiện quá trình chuyển đổi từ sản xuất tự động hóa sang sản xuất thông minh dựa trên nền tảng "hệ thống thực ảo".

Từ đó, đáp ứng linh hoạt với những nhu cầu của khách hàng trong một khoảng thời gian ngắn.

Tăng năng suất

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về phương thứ sản xuất và tiêu dùng nhờ vào sự phát triển của khoa học công nghệ.

Cùng với sự phát triển của các công nghệ internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) hay điện toán đám may (Cloud computing), cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đã hình thành nên một nền sản xuất đặc biệt là sản xuất thông minh.

Theo TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn, đo lường chất lượng; đồng thời là Giám đốc Tổ chức năng suất châu Á thường trực tại Việt Nam, nền tảng của hệ thống sản xuất thông minh là "hệ thống thực - ảo", trong đó khoa học máy tính và công nghệ thông tin đã "thu hẹp" không gian của hệ thống sản xuất trên thực tế hiện nay.

Hay nói cách khác, hệ thống sản xuất thực được ánh xạ trên hệ thống sản xuất ảo để hình thành hệ thống sản xuất thông minh dựa trên nền tảng "hệ thống thực - ảo".

"Ngoài ra, động lực chính của tăng trưởng kinh tế (được đo lường bằng chỉ tiêu tăng trưởng GDP) là tăng năng suất lao động. Trong những điều kiện hạn chế đầu vào (lao động và vốn), tăng năng suất là con đường duy nhất để tăng trưởng kinh tế bền vững về dài hạn. Mặt khác, tăng năng suất lao động phụ thuộc vào năng suất của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp được xem là hạt nhân của phát triển kinh tế, năng suất nội ngành của những ngành kinh tế và cơ cấu kinh tế", TS. Hà Minh Hiệp chia sẻ thêm.

Tương tự, một số chuyên gia cho rằng, có nhiều yếu tố khác nhau tác động tới năng suất của quốc gia như sự dịch chuyển lao động từ một ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao, cũng làm tăng năng suất chung, hoặc nâng cao năng suất của từng ngành cũng có tác động cải thiện năng suất nền kinh tế.

Hay chuyển dịch cơ cấu kinh tế có tác dụng trong thời kỳ đầu của quá trình phát triển kinh tế, nhưng khi nền kinh tế phát triển đến mức cao hơn thì yếu tố năng suất nội ngành sẽ có vai trò tiên quyết cho nâng cao năng suất bền vững.

Vì vậy, Việt Nam cũng như các nước cần chú trọng đầu tư theo chiều sâu cho những ngành, doanh nghiệp đầu tư đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đổi mới công tác quản lý, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ là động lực chính tăng năng suất.

Ngoài ra, Chính phủ có những cơ chế chính sách tạo môi trường kinh doanh và kinh tế vĩ mô thuận lợi là hai nền tảng căn bản trong thúc đẩy nâng cao năng suất.

Trong đó, thúc đẩy kinh doanh, gồm: phát triển lực lượng lao động, công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh. Còn thúc đẩy nền tảng vĩ mô, gồm: cải thiện thể chế, cơ sở hạ tầng và ổn định kinh tế.

Với giai đoạn chuyển đổi hiện nay, doanh nghiệp phải đảm bảo cho các cảm biến, máy móc và hệ thống công nghệ thông tin sẽ được kết nối dọc theo chuỗi giá trị của một doanh nghiệp.

Các hệ thống được kết nối này có thể tương tác với nhau bằng những chuẩn giao thức dựa trên internet và phân tích dữ liệu để dự đoán lỗi, tái cơ cấu và thích ứng với sự thay đổi.

Trong khi đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được đánh giá là mang lại cơ hội doanh nghiệp dễ dàng thu thập và phân tích dữ liệu trên máy, cho phép quy trình nhanh, linh hoạt và hiệu quả hơn để sản xuất hàng hóa chất lượng với chi phí giảm.

Điều này thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và thay đổi lực lượng lao động. Đồng thời, thay đổi cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp.

Chung tay cải thiện năng lực

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang cho biết, trong giai đoạn năm 2019, Điện Quang đã có chủ trương khai thác yếu tố kinh tế tuần hoàn như xây dựng các bộ sản phẩm tuần hoàn và tuần hoàn nguyên vật liệu (tái sử dụng bao bì, dùng thùng, khay nhựa thay cho bao bì carton), thu hồi sản phẩm và tái xử lý vật tư (có thể xoay vòng như: kim loại,…) từ các công trình.

Đặc biệt, cũng như những doanh nghiệp khác, Điện Quang đã thực hiện tăng dần tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều năm qua, hướng đến phát triển bền vững và đảm bảo được nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất.

Mặt khác, trong ngành chiếu sáng, chip led là nguyên vật liệu chính, quan trọng nhất để sản xuất đèn led. Do đó, kể từ năm 2019 nhà máy công nghệ cao của Điện Quang đã đi vào hoạt động, tự sản xuất được chip led giúp công ty hạn chế phụ thuộc và làm chủ được công nghệ.

Về phía bộ, ngành, trong năm 2020, Trung tâm hỗ trợ phát triển Công nghiệp - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tiếp tục triển khai 2 khóa Master tại Hàn Quốc cho 32 học viên xuất sắc của năm 2019; 4 khóa đào tạo trong nước cho 120 tư vấn viên và hỗ trợ cải tiến cho 20 doanh nghiệp. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Samsung.

Ông Đỗ Nam Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, chương trình đào tạo trong năm 2020 nhằm mục tiêu xây dựng lực lượng tư vấn viên Việt Nam chất lượng, đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng và doanh nghiệp sản xuất nói chung.

Thông qua chương trình đào tạo này, học viên sẽ được trang bị các kiến thức về quản lý sản xuất như các nguyên tắc về quản lý hiện trường, cải tiến lãng phí, tìm hiểu về kỹ thuật công nghiệp, tìm hiểu về năng suất, hoạt động nâng cao năng suất, hoạt động cải tiến dòng vận chuyển sản xuất; kiến thức về quản lý chất lượng.

Thống kế đến nay, Bộ Công Thương phối hợp với Samsung Việt Nam tổ chức thành công của 8 khóa đào tạo chuyên gia tư vấn viên, tư vấn cải tiến sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến và chế tạo ở giai đoạn năm 2018 và 2019. Bên cạnh đó, chương trình này đã giúp 207 tư vấn viên Việt Nam được đào tạo bài bản và 40 doanh nghiệp được tư vấn cải tiến nâng cao năng suất chất lượng.

Theo báo cáo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, hiện tại đã có nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho doanh nghiệp, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu như sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao của công ty Lập Phúc cung cấp cho Colgate; Hiệp Phước Thành và Minh Nguyên đã tham gia được vào chuỗi sản phẩm của Samsung; Thống Nhất và Amura Precision sản xuất linh kiện nhựa cho nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của các công ty ô tô...

Qua đó, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng công nghiệp từng bước được cải thiện theo sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Đồng thời, trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực cũng có sự đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hàm lượng giá trị gia tăng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục