Sản xuất gạch không nung - Bài 2: Thay đổi công nghệ

10:48' - 27/04/2019
BNEWS Việc phát triển sản xuất gạch không nung cho đến nay bộc lộ nhiều bất cập và đang rất cần một sự thay đổi về công nghệ để chinh phục thị trường tiêu dùng.
 Sản xuất gạch không nung tại Công ty Cổ phần Hồng Hà. Ảnh: Bùi Đức Hiếu-TTXVN

Từ năm 2014, UBND tỉnh Trà Vinh đã đề ra Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và lộ trình đi đến chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, nhằm ngăn chặn tận gốc vấn nạn bán đất sét ruộng và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất gạch không nung cho đến nay bộc lộ nhiều bất cập và đang rất cần một sự thay đổi về công nghệ để chinh phục thị trường tiêu dùng.

*Ngăn chặn từ gốc

Cùng với việc ngăn chặn tình trạng bán đất sét ruộng, tỉnh Trà Vinh có Quyết định số 251 về thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2019 và lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lo thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch trên địa bàn tỉnh…

Theo đó, UBND tỉnh Trà Vinh còn thực thi về chính sách hỗ trợ khuyến khích cho các chủ cơ sở sản xuất gạch đất sét nung chuyển sang sản xuất gạch không nung, nhằm đi đến chấm dứt hoạt động sản xuất gạch theo phương cách truyền thống nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai nông nghiệp.

Điều này góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất gạch không nung bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường được tỉnh hỗ trợ 30% lãi suất cho vay tín dụng trong 3 năm để đầu tư dây chuyền với mức tối đa 150 triệu đồng/năm.

Hoặc được hỗ trợ tối đa 40% chi phí ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất gạch không nung, nhưng không quá 170 triệu đồng/dự án.

Đối với các cơ sở chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công, tổ chức hoặc cá nhân được hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò với mức: 10 triệu đồng với lò có công suất dưới 0,4 triệu viên/năm; 15 triệu đồng với lò có công suất từ 0,4 - 0,65 triệu viên/năm và hỗ trợ 20 triệu đồng/lò với lò có công suất trên 0,65 triệu viên/năm.

Cùng đó, người lao động tại các lò sản xuất gạch đất nung thủ công được xét hỗ trợ để ổn định đời sống với mức 210.000 đồng/người/tháng trong 12 tháng, với số lượng từ 5-9 người/lò; đồng thời được hỗ trợ đào tạo nghề theo đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh, trên địa bàn tỉnh có 21 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với 42 lò, có tổng công suất hơn 30 triệu viên/năm.

Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và lộ trình đi đến chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lo thủ công của UBND tỉnh Trà Vinh, đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có 7 cơ sở và doanh nghiệp tham gia sản xuất gạch không nung với chủng loại gạch đặc, gạch block…

Phần lớn các loại gạch không nung hiện sử dụng công nghệ rung ép nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, trọng lượng viên gạch còn quá lớn.

Chính vì vậy, sản phẩm gạch không nung sản xuất trên địa bàn tỉnh chưa lấy được lòng tin của thị trường tiêu dùng, chỉ mới phục vụ nhu cầu xây dựng công trình từ nguồn vốn nhà nước theo quy định.

* Công nghệ sản xuất không đồng bộ

Ông Huỳnh Séreây Sambatt - Trưởng Phòng Quản lý xây dựng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Trà Vinh cho biết, theo Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng về quy định sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng thì các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải đáp ứng sử dụng 70% gạch không nung đối với các công trình xây dựng trên địa bàn thuộc đô thị loại III và 50% dành cho các công trình trên địa bàn còn lại.

Riêng tỷ lệ còn lại được dùng các sản phẩm gạch khác để chèn và xử lý tại những điểm dễ bị ảnh hưởng.

Tại Trà Vinh, mấy năm gần đây, các công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thường sử dụng 100% gạch không nung để thuận lợi trong thiết kế và thẩm định công trình…

Tuy nhiên, nhiều công trình xây dựng bằng gạch không nung đã bộc lộ nhược điểm. Cụ thể, một số công trình, sau một thời gian ngắn đã xuất hiện việc rạn nứt tường.

Các đơn vị thi công cũng phản ánh khó khăn, do nhiều thợ nề chưa quen với công việc xây tô từ gạch không nung nên bị chậm tiến độ so với thời gian hạn định.

Nguyên nhân chính yếu là do sản phẩm gạch không nung không đồng đều, chưa đảm bảo về quy chuẩn, chất lượng. Chính vì vậy, sản phẩm gạch không nung cho đến nay vẫn chưa được thị trường xây dựng dân dụng đón nhận .

Ông Phan Thanh Nữ, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất – xây dựng – thương mại Nhật Anh, ở huyện Càng Long cho biết, trên thị trường hiện tiêu thụ chủ yếu 3 loại là gạch block, gạch thẻ, gạch ống được sản xuất bằng xi – măng cốt liệu.

Đối với gạch block đã có các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong xây dựng. Riêng sản xuất gạch ống xi-măng chưa có quy chuẩn hay hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.

Một số cơ sở, doanh nghiệp sử dụng máy ép gạch từ công nghệ của Trung Quốc thường không đạt được độ nén, sản phẩm bị khô, dễ hút nước… nên trong quá trình xây dựng làm biến dạng viên gạch, dẫn đến hiện tượng tường xây bị xé.

Còn với các máy ép sử dụng công nghệ tiên tiến từ Nhật, Đức với công nghệ ép tĩnh và thuỷ lực cho ra sản phẩm gạch nhẹ nhưng có độ cứng cao, tính ổn định, ít bị biến dạng.

Tuy nhiên, để đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, đảm bảo chất lượng, cụ thể là công nghệ sản xuất gạch bê-tông bọt có trọng lượng tương đương với gạch nung phải cần nguồn đầu tư khá lớn, khoảng 21 tỷ đồng/dây chuyền...

Bình quân, trọng lượng gạch bê-tông bọt khoảng 800kg/m3, so với gạch xi-măng cốt liệu khoảng 2.000kg/m3.

Vì vậy, không phải cơ sở, doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư chuyển đổi công nghệ mà mong muốn có sự hỗ trợ thêm từ Nhà nước.

Sở Xây dựng tỉnh Trà Vinh dự báo, đến năm 2020, nhu cầu về nguồn gạch cho xây dựng khoảng 760 triệu viên/năm.

Chủ trương tỉnh là phát triển vật liệu xây dựng không nung đi đến chấm dứt hoạt động sản xuất gạch nung trên địa bàn vào năm 2020.

Thế nhưng, cho đến nay, cả tỉnh mới có 7 cơ sở và doanh nghiệp sản xuất gạch không nung với số lượng khoảng 30 triệu viên/năm.

Như vậy, doanh nghiệp đang mong chờ tỉnh Trà Vinh có thêm chính sách hỗ trợ, khuyến khích để chuyển đổi công nghệ sản xuất tiên tiến, phát triển dòng sản phẩm vật liệu xây không nung chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục