Sản xuất hữu cơ giúp nông sản Sơn La vươn xa

10:09' - 17/06/2020
BNEWS Sơn La được biết đến là một tỉnh đi đầu trong sản xuất nông nghiệp với nhiều loại cây trồng có thế mạnh xuất khẩu như nhãn, xoài, chanh leo.

Để sản phẩm có uy tín và đứng vững trên thị trường, điều kiện tiên quyết là chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, sản xuất hữu cơ đang là hướng đi đúng góp phần đưa nông sản Sơn La vươn xa.

Hợp tác xã Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu là cơ sở đi đầu trong việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ ở Sơn La. Với hơn 20 ha trồng xoài, mục tiêu sản xuất nông sản sạch và an toàn đã được các thành viên hợp tác xã đặt ra ngay từ khi mới thành lập.

Đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động, việc sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn đã mang lại những kết quả tích cực cho thành viên của hợp tác xã. Trung bình hàng năm hợp tác xã đã xuất khẩu trên 50 tấn xoài tượng da xanh sang các thị trường Australia, Trung Quốc. Nhờ đó, thu nhập của các thành viên hợp tác xã đạt bình quân 200 triệu đồng/năm.

Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc cho biết, trong quá trình sản xuất, hợp tác xã đã thực hiện nghiêm ngặt quy định ghi chép các thông tin từ nguồn gốc giống, đất, phân bón, áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, quy trình chăm sóc và thu hoạch sản phẩm.

Đồng thời, sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ. Việc sử dụng phân bón hữu cơ trong những năm đầu chi phí sẽ cao hơn phân vô cơ, nhưng sau đó sẽ giảm dần. Bởi qua hàng năm đất đai được bồi bổ, các loại vi sinh vật có ích phát triển nhiều hơn. Quan trọng nhất là năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng tăng hơn so với trước đây khi dùng phân bón vô cơ.

Còn vườn xoài hơn 3 năm tuổi của ông Nguyễn Hương Long, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La có diện tích gần 7 ha. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật cây xoài ở đây luôn có đủ kích cỡ quả. Từ quả có trọng lượng trung bình khoảng 1 kg và cả quả nhỡ, thậm chí là đang ra hoa.

Vì vậy, vườn xoài của ông Long có thể ra 3 lượt quả trong một vụ. Dự kiến, trong tháng 6/2020 sẽ thu hoạch được khoảng 10 tấn/ha. Bên cạnh đó, gia đình còn chăm sóc cây theo hướng hữu cơ, đảm bảo cung cấp những quả xoài ngon và sạch tới tay người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hương Long cho biết, gia đình ông có 3 ha hồ nuôi cá. Vì vậy, ông đã sử dụng các loại cá rô, cá mạt để làm phân bón cho cây xoài. Các loại cá được ông ủ cùng men, ngô và đậu tương trong thời gian khoảng 8 tháng để làm phân bón. Còn thuốc bảo vệ thực vật thì gia đình ông sử dụng các loại dược liệu như gừng, tỏi, ớt.

Từng là vùng trồng ngô lớn nhất cả nước, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Sơn La đã nhanh chóng bứt phá, trở thành vựa cây ăn quả lớn thứ hai của cả nước với tổng diện tích trên 71.000 ha. Đến nay, tỉnh Sơn La duy trì và phát triển được 73 chuỗi cung ứng quả an toàn với tổng diện tích sản xuất trên 1.550 ha, sản lượng ước đạt 13.000 tấn/năm. Tham gia chuỗi cung ứng có 78 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP.

Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh luôn quan tâm, triển khai xây dựng các vùng sản xuất nông sản phải là vùng an toàn. Bên cạnh đó, chất lượng và sự an toàn sản phẩm nông nghiệp phải luôn được đặt lên hàng đầu, bởi điều đây là những tiêu chí mà thị trường xuất khẩu và người dân luôn quan tâm.

Năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ hơn 6,5 tỷ đồng cho các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền người dân ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh trong sản xuất nông nghiệp.

Cùng đó, khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các sản phẩm lợi thế của địa phương, gắn với các chuỗi liên kết tiêu thụ ổn định, từng bước thay đổi phương thức làm nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững./.

>>>Những người tiên phong trồng tỏi sạch ở Lý Sơn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục