Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa ổn định, cà phê đi xuống

13:11' - 14/06/2020
BNEWS Hiện tại, giá lúa tươi tại ruộng ở Hậu Giang dao động từ 5.300 - 6.200 đồng/kg tùy giống lúa, tăng bình quân từ 300 - 600 đồng/kg so với cùng kỳ.
Tuần qua (ngày 8/6 đến 13/6), nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long bước vào thu hoạch lúa Hè Thu, lúa tốt, giá lúa vẫn tiếp tục ổn định ở mức cao giúp nông dân được mùa, được giá. Tuy nhiên, giá cà phê tại Tây Nguyên lại có diễn biến đi xuống.

*Thị trường nông sản trong nước

Tại tỉnh Hậu Giang, hiện một số địa phương đã bắt đầu thu hoạch lúa Hè Thu sớm với năng suất và giá bán cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Theo chia sẻ của nhiều nông dân, do thời tiết vụ Hè Thu năm nay thuận lợi, ít dịch hại nên năng suất lúa cao hơn năm trước. Đồng thời, giá bán cũng cao hơn nên người dân rất phấn khởi.

Hiện tại, giá lúa tươi tại ruộng ở Hậu Giang dao động từ 5.300 - 6.200 đồng/kg tùy giống lúa, tăng bình quân từ 300 - 600 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, với giống OM 5451 là 5.300 đồng/kg, giống OM 18 là 5.500 đồng/kg, giống RVT là 6.200 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, tại địa phương, giá lúa tươi thường từ 5.300-5.500 đồng/kg, lúa Jasmine 6.000 đồng/kg, lúa OM từ 5.500 -5.800 đồng/kg, ổn định so với tuần trước.

Giá gạo thường tại An Giang dao động ở mức 10.500-11.500 đồng/kg, gạo thơm Jasmine 14.500-15.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 16.500 đồng/kg, gạo Nhật 22.500 đồng/kg…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Hè Thu 2020, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy gần 1,54 triệu ha lúa. Từ tháng 5 đến tháng 9, lúa Hè Thu ở khu vực này thu hoạch với sản lượng ước đạt trên 8,71 triệu tấn lúa.

Theo ước tính ban đầu về cơ cấu giống từ các tỉnh, sau khi trừ lượng lúa gạo dùng tiêu thụ trong nước thì lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu khoảng 2,3-2,5 triệu tấn;

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tuần qua ở mức 473-477 USD/tấn với gạo 5% tấm; với gạo 25% tấm là 453-457 USD/tấn; riêng gạo Jasmine có giá 553-557 USD/tấn, tương đương tuần trước.

Vừa qua, Philippines vừa mở thầu mua 300 nghìn tấn gạo dưới hình thức đấu giá liên Chính phủ (G2G). Đây là lần mua đấu giá đầu tiên dưới hình thức G2G kể từ khi ngành gạo Philippines được tự do hóa.

Trong gói thầu này, Philippines có nhu cầu mua gạo 25% tấm, giá tham khảo là 497,62 USD/tấn, giao tại các cảng Manila, Cebu, Tacloban, Zamboanga và Davao. Dự kiến, 150 nghìn tấn gạo đầu tiên sẽ được giao trước ngày 14/7, số còn lại được giao trước ngày 14/8. Tại cuộc đấu thầu G2G trực tuyến nói trên, 4 nước gồm: Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ đã gửi hồ sơ dự thầu.

Kết quả, Philippines chỉ chốt mua 189 nghìn tấn gạo; trong đó, Việt Nam trúng thầu 60 nghìn tấn với giá 497,3 USD/tấn, gồm 45 nghìn tấn giao ở cảng Manila và 15 nghìn tấn giao ở cảng Davao.

Với cà phê, nguồn từ Diễn đàn của người làm cà phê cho thấy, giá nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên lại quay đầu giảm giá so với cuối tuần trước, dao động trong khung 30.900 – 31.400 đồng/kg, giảm 1.000 – 1.200 đồng/kg.

Tại cảng Tp. Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, ngày 13/6, đứng ở 1.312 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 80 – 100 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.

* Gạo Thái Lan tăng giá, giá cà phê Arabica thấp nhất trong gần 1 năm

Trên thị trường Mỹ, giá các loại nông sản trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đồng loạt tăng trong phiên 12/6. Cụ thể, giá ngô giao tháng 7/2020 tăng 0,25 xu Mỹ (tương đương 0,08%) lên 3,3 USD/bushel, giá lúa mỳ giao tháng 7/2020 tăng 2,75 xu Mỹ (0,55%) lên 5,02 USD/bushel còn giá đậu tương giao tháng 7/2020 tăng 5,25 xu Mỹ (0,61%) lên 8,7125 USD/ bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg)

Các nhà môi giới của sàn CBOT ước tính các quỹ đã mua 3.100 hợp đồng ngô, 2.800 hợp đồng đậu tương và 1.900 hợp đồng lúa mỳ. Biến động gia tăng trên thị trường nông sản Mỹ khi giới đầu tư bất đồng về thời điểm vắc-xin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể được nghiên cứu thành công và cung cấp cho các bệnh nhân mắc COVID-19 trên thế giới. Một số chuyên gia y tế dự báo thế giới có thể nghiên cứu thành công vắc-xin COVID-19 trong 10-14 tháng tới.

Theo công ty nghiên cứu nông sản AgResource, có trụ sở tại Chicago, nông dân Mỹ đang kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu kỷ lục với triển vọng sản lượng nông sản dường như đang hướng tới mục tiêu dự kiến trước đó.

Tại thị trường gạo châu Á, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan trong ngày 11/6 đã tăng lên 505-533 USD/tấn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 5/2020, cao hơn so với mức 490-512 USD/tấn hồi tuần trước. Đồng baht của Thái Lan tăng giá và những quan ngại lâu nay về nguồn cung đã khiến giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan gia tăng, mất đi lợi thế cạnh tranh với các loại gạo có giá rẻ hơn do những quốc gia xuất khẩu gạo khác ở khu vực châu Á cung cấp.

Đồng baht đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 tháng qua so với USD khiến giá gạo của Thái Lan đắt hơn khi được niêm yết và giao dịch bằng đồng USD. Ngoài ra, giá gạo của Thái Lan cũng tăng do những quan ngại về nguồn cung gạo ở Thái Lan vẫn hiện hữu cho dù những đợt mưa đã xuất hiện giúp giảm bớt tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua diễn ra hồi đầu năm 2020.

Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ vẫn được giao dịch ở mức 368-373 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua khi nhu cầu khá thấp. Theo một nhà xuất khẩu gạo ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (Ấn Độ), một số bang ở Ấn Độ đã bắt đầu vụ thu hoạch mới song nhu cầu tương đối thấp.

Còn tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm vẫn ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2012 là 475 USD/tấn khi nhu cầu vẫn ổn định mặc dù nguồn cung tăng.

Về thị trường cà phê thế giới, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2020 tại sàn giao dịch ICE  giảm 0,75 xu Mỹ (0,8%) xuống còn 96 xu Mỹ/pound, mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ giữa tháng 10/2019.

Theo số liệu mới công bố của Hội đồng các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), doanh thu xuất khẩu cà phê của Brazil – quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới) trong tháng 5/2020 tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2019 lên 370,7 triệu USD cho dù sản lượng xuất khẩu cà phê giảm.

Theo Chủ tịch Cecafé Nelson Carvalhaes, sản lượng cà phê xuất khẩu của Brazil trong tháng 5/2020 vẫn tương đối tốt vì nước này đang ở giai đoạn cuối của vụ thu hoạch trong chu kỳ có sản lượng thấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục