Sản xuất thép xây dựng cao nhất từ trước đến nay

15:54' - 14/11/2015
BNEWS Sản xuất các sản phẩm thép của doanh nghiệp thành viên tháng 10/2015 đạt hơn 1,3 triệu tấn, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 7% so với tháng trước.
Sản xuất thép tại Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng thuộc Tổng Công ty Khoáng sản - Vinacomin. Ảnh: Quốc Đạt-TTXVN

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, thị trường tiêu thụ tôn thép đã và đang có những chuyển biến tích cực trong tháng 10 và đầu tháng 11. Lượng thép sản xuất và bán ra tăng nhanh.

Nguyên nhân là do thời điểm cuối năm, số lượng các dự án đang triển khai khá nhiều, thêm vào đó thời tiết thuận lợi cũng làm cho thị trường tốt hơn.

Báo cáo từ Hiệp hội cho hay, sản xuất các sản phẩm thép của doanh nghiệp thành viên tháng 10/2015 đạt hơn 1,3 triệu tấn, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 7% so với tháng trước.

Bán hàng sản phẩm thép các loại trong tháng đạt gần 1,12 triệu tấn, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 13% so với tháng trước đó.

Đặc biệt, sản xuất thép xây dựng của các doanh nghiệp thành viên đạt gần 618.000 tấn, tăng 29,9% so với cùng kỳ 2014. Đây là mức tăng sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng cao nhất từ trước đến nay. Lượng bán ra cũng đạt hơn 627.000 tấn, tăng 26% so với cùng kỳ 2014.

Đối với thị trường tôn (cả tôn mạ kẽm và sơn phủ màu), trong tháng 10/2015 tiêu thụ cũng tăng trưởng khá, đạt hơn 212.000 tấn, tăng 22,4% so với tháng 9 và tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, xuất khẩu tôn mạ đạt 86.409 tấn, tăng 15,6% so với tháng 9 và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2014. Dẫn đầu thị trường tôn vẫn thuộc về tôn Hoa Sen với 37,9%; tôn Nam Kim chiếm 13,5% và tôn Đông Á chiếm 11,8%...

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, doanh nghiệp ngành thép trong thời gian qua đã chủ động hơn trong nâng cao sức cạnh tranh, đón nhận cơ hội từ sự khởi sắc rõ nét của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, đây chỉ là sự tăng trưởng tạm thời.

Sản xuất thép tại Nhà máy cán thép Lưu Xá (Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên-TTXVN

Các doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc ‘đội lốt” hợp kim tràn vào thị trường trong nước: như phôi Trung Quốc có hàm lượng Crom với giá rẻ đang nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam giao dịch khoảng 255-258 USD/tấn, giảm 45-50% so với đầu năm 2014.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu cũng gặp khó khăn do thép Việt Nam bị kiện trên nhiều thị trường lớn. Tới đây, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam sẽ phải đối mặt thêm với áp lực lớn thép nhập khẩu từ các nước ASEAN, Nga…

Để giúp doanh nghiệp trụ vững trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng để tránh nhập khẩu tràn lan hàng giá rẻ gian lận thương mại.

Đồng thời, triển khai các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại cho việc nhập khẩu, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp thép.

Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp cũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để cạnh tranh, đặc biệt chú ý việc nâng cao kiến thức về các biện pháp phòng vệ thương mại…/.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục