Sản xuất và tiêu dùng: Bài cuối-Cơ hội và thách thức

08:14' - 12/04/2019
BNEWS Gần 70% người dân sống ở nông thôn còn mang đậm tâm lý sản xuất nhỏ, tác phong lao động thiếu chuyên nghiệp đã ảnh hưởng tới hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. 
 Siêu thị Big C gói sản phẩm nông sản bằng lá chuối tươi. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN 

Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kinh tế đạt mức tăng trưởng tương đối cao kéo theo mức tiêu dùng của người dân được cải thiện đáng kể.

Hơn nữa, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, dựa vào yếu tố năng suất và công nghệ đang được Đảng và Chính phủ ưu tiên thực hiện, là thời cơ thuận lợi để Việt Nam phát triển tiêu dùng xanh.

Giải pháp thúc đẩy

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam ước đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. Cùng với đó là ý thức tiêu dùng ngày càng tăng, yêu cầu về các sản phẩm xanh, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn và thân thiện với môi trường là một đòi hỏi thiết yếu của người dân.

Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về tiêu dùng xanh. Điều này sẽ tạo ra động lực khuyến khích và nguồn cung cho nhu cầu “tiêu dùng xanh trên thị trường”. Đồng thời, Nhà nước cần đưa ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà sản xuất các sản phẩm, các dịch vụ xanh; phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch, sản xuất sạch hơn, hướng đến các sản phẩm cho tiêu dùng xanh.

Nhà nước đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên các chính sách, kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh, cơ chế phát triển sạch (CDM); xây dựng, thực hiện Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững; thúc đẩy, triển khai “mua sắm xanh” cùng với các chương trình dán Nhãn sinh thái.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Danh Sơn, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khẳng định: Để tạo lập được nền kinh tế xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, một trong các giải pháp quan trọng là phát triển và nhân rộng hơn nữa các mô hình doanh nghiệp xanh, hỗ trợ về giá đối với sản phẩm, dịch vụ xanh và tăng cường tiếp thị quảng cáo trong tiêu thụ các sản phẩm xanh.

Nhà nước tổ chức chương trình đào tạo sản xuất xanh cho lực lượng lao động trực tiếp tham gia vào các mô hình doanh nghiệp xanh; thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh đối với sản phẩm, nhằm đưa các sản phẩm xanh vào tiêu dùng và nâng cao thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường.

Đi đôi với việc phát triển ngành công nghiệp môi trường toàn diện, tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của các sản phẩm xanh, chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường, lợi ích thiết thực trong bảo vệ môi trường đến cộng đồng, người tiêu dùng, người sản xuất để thu hút lực lượng tiêu thụ sản phẩm xanh. Tạo ra mối quan hệ mật thiết giữa nhà sản xuất xanh, sản phẩm xanh và người “tiêu dùng xanh”.

Một số hành động “tiêu dùng xanh” mà mỗi người có thể thực hiện ngay, chẳng hạn “Bữa ăn xanh”: Các nghiên cứu đã chỉ ra lượng khí thải độc hại sinh ra từ ngành chăn nuôi và sản xuất thịt chiếm tới 1/5 tổng lượng khí thải gây hiệu ứng toàn cầu. Để thay thế nguồn đạm động vật, các nhà khoa học khuyến cáo nên chuyển sang ăn các loại đậu, hạt bởi việc trồng đậu, hạt ít ảnh hưởng đến môi trường hơn chăn nuôi.

Người tiêu dùng thông thái nên ưu tiên mua và sử dụng các sản phẩm được chứng nhận tiết kiệm năng lượng; mua đồ văn phòng phẩm có thể tái chế hoặc tái sử dụng; in trên hai mặt giấy…để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và năng lượng; tái sử dụng tất cả những gì có thể trong mỗi gia đình...

Cần sự chung tay và kiên trì thực hiện

Đề cập đến vấn đề tiêu dùng xanh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước Bộ Công Thương Lê Thị Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương đã xác định đây là hoạt động lâu dài, phải có nhiều thời gian và để đạt được kết quả cao cần có sự chung tay, hỗ trợ từ nhiều cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể. Nhất là sự tham gia hưởng ứng từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như từ phía người tiêu dùng.

Song với gần 70% người dân sống ở nông thôn còn mang đậm tâm lý sản xuất nhỏ, bên cạnh đức tính cần cù là tính tùy tiện, tác phong lao động thiếu chuyên nghiệp. Những đặc điểm này đã ảnh hưởng tới hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Cụ thể như ở các làng nghề, hoạt động xả thải không qua xử lý vẫn phổ biến. Mặt khác, đặc trưng tâm lý tiểu nông là nguyên nhân gây lãng phí năng lượng, tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Hiện tượng xả rác tùy tiện bừa bãi nơi công cộng vẫn phổ biến vì chưa có chế tài xử lý. Ở nông thôn, tình trạng vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật thải bỏ ngay tại ruộng vẫn phổ biến, cho dù nhiều địa phương đã xây dựng thùng đựng rác thải ngay tại từng cánh đồng.

Đại đa số người dân vẫn có thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, mặc dù họ biết rõ tác hại của sản phẩm này. Nguyên nhân do giá thành rẻ, thói quen sử dụng cũng như thói quen xả rác tùy tiện. Do đó, Chương trình phân phân rác thải rắn tại nguồn được ban hành từ năm 2004 nhưng vẫn không thể triển khai thực hiện trên diện rộng.

Vì vậy, để thúc đẩy xanh hóa tiêu dùng từng bước đi vào đời sống xã hội, cần thiết phải có một chế tài đủ mạnh thể hiện qua các công cụ pháp lý tác động trực tiếp, quy định rõ hơn. Mặt khác phải chú trọng phát triển và ứng dụng công nghệ mới vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh nói chung và xu hướng tiêu dùng xanh nói riêng.

Các nhà khoa học cho rằng, việc áp dụng các công cụ kinh tế trong thúc đẩy tiêu dùng xanh ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Các công cụ này mới chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ sản xuất các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường, chưa có công cụ điều chỉnh đủ mạnh để điều chỉnh hành vi tiêu dùng các sản phẩm “chưa xanh”, chưa thân thiện với môi trường. Đây cũng chính là một trong những hạn chế cần được khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh nói chung, cũng như thúc đẩy tiêu dùng xanh nói riêng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục