Sản xuất vụ Đông gắn với thị trường tiêu thụ

17:30' - 28/09/2020
BNEWS Đến nay, hầu hết các địa phương phía Bắc đều xác định vụ Đông là vụ chính, sản xuất hàng hóa chính với sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ và mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân.

Tuy nhiên, để tránh được mùa mất giá, ngoài việc định hướng về cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng kèm theo đó là việc tìm kiếm đối tác ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm là vấn đề quan trọng được nhiều địa phương đặt ra để vụ này đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Để sẵn sàng cho vụ Đông, ngay từ vụ lúa Mùa, các tỉnh phía Bắc đã lên kế hoạch gieo trồng sớm để có thể thu hoạch sớm hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-7 ngày, tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng đất làm cây vụ đông ưa ấm.

Vụ Đông 2020, ngành nông nghiệp đạt kế hoạch sản xuất từ 430.000 - 450.000 ha, tăng khoảng từ 10 - 20% diện tích so với vụ Đông 2019.

Sản lượng phấn đấu đạt từ 4,6 - 4,95 triệu tấn, tăng từ 10 - 15% sản lượng so với vụ đông 2019.  Tổng giá trị sản xuất đạt khoảng từ 34.200 – 36.600 tỷ đồng, trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 75 triệu đồng/ha.

Phát triển vụ Đông 2020 theo chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt, theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng sản xuất nhóm cây ưa ấm với tỷ lệ khoảng 55%; nhóm cây ưa lạnh khoảng 45%.

Nhóm cây trồng chủ lực trong vụ Đông gồm: ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây và rau đậu các loại.

Riêng cây ngô, ngoài mục tiêu lấy hạt, ưu tiên phát triển nhóm ngô thu bắp tươi và ngô sinh khối cho chăn nuôi đại gia súc. Phát triển nhóm rau có giá trị kinh tế cao phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại một số thị trường truyền thống.

Đối với cây rau được trồng rải vụ nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ. Mở rộng diện tích các đối tượng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, khoai tây chế biến, cây dược liệu, các loại nấm ăn, nấm dược liệu...

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cần chủ động tiêu thoát nước sớm, thu hoạch nhanh, gọn diện tích trà lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa sớm; chuẩn bị cây con (làm bầu) để có thể trồng cây vụ Đông ngay sau khi thu hoạch lúa; bố trí quỹ đất hợp lý cho cây vụ đông sớm.

Với nhóm cây ưa ấm cần lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, gieo trồng càng sớm càng tốt; với nhóm cây rau đậu cần bố trí trồng thành nhiều trà để khai thác tối đa điều kiện đất đai, công lao động, tránh rớt giá và tăng hiệu quả kinh tế.

Cùng với đó là sản xuất theo hướng đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó kích cầu tiêu dùng, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ rau màu vụ Đông.

Theo Cục Chăn nuôi, tổng nhu cầu ngô sinh khối cần cho chăn nuôi đại gia súc là 27,6 triệu tấn/năm; trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi tự cung cấp được khoảng 70% còn lại cần mua ngoài là 30%, với khoảng 8 triệu tấn.

Do đó, vụ Đông năm nay, ngành nông nghiệp tập trung ưu tiên phát triển ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi.

Là tỉnh có đàn gia súc lớn nên bà con tỉnh Hà Tĩnh sản xuất vụ Đông mạnh để sản xuất thức ăn cho gia súc. Riêng về phát triển ngô sinh khối, tỉnh Hà Tĩnh có kế hoạch sản xuất với 1.500 ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, nếu sản xuất ngô sinh khối sẽ đạt được 3 mục tiêu là: phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cấy cây trồng và sản xuất loại cây này sẽ phải có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Sở hữu đàn bò sữa chiếm 20% đàn bò sữa cả nước với 65.000 con nên nhu cầu sử dụng ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh cho bò của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày càng lớn là điều kiện thuận lợi để liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ngô lấy thân lá.

Vụ Đông năm nay, Nghệ An sẽ gieo trồng 5.000 ha các giống ngô có sinh khối lớn như: NK7328, CP111…  Các địa phương ký hợp đồng sản xuất với các công ty chăn nuôi bò sữa, bò thịt như Công ty TH true milk, Vinamilk…

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An còn cho biết, tỉnh đã có nhiều mô hình cây trồng vụ Đông được đưa vào sản xuất; trong đó điển hình có 27 mô hình sản xuất có diện tích lớn, hiệu quả kinh tế cao và mô hình liên kết với các doanh nghiệp đã tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất vụ Đông.

Để sản xuất vụ này hiệu quả, ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, bên cạnh việc chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết như giống, các loại phân bón, công tác tưới, tiêu cho sản xuất… tỉnh hỗ trợ ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trước khi bước vào vụ sản xuất.

Đặc biệt, tỉnh khuyến cáo các địa phương mở rộng diện tích trồng dưa chuột liên kết với các công ty doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng thực hiện tốt Đề án Ứng dụng giống cây trồng mới chủ lực sản xuất tập trung, sản xuất rau củ, quả sạch, rau chất lượng cao làm vệ tinh cho Công ty Vineco hoặc các đơn vị, doanh nghiệp, bếp ăn tập thể..

Theo ông Nguyễn Đức Vượng, căn cứ định hướng sản xuất vụ Đông của tỉnh, các huyện, thành phố sẽ cụ thể hóa xây dựng kế hoạch sản xuất của các xã, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.

Các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tiếp tục đổi mới theo hướng gắn tổ chức sản xuất với thị trường, trọng tâm là dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tỉnh khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, tổ chức kinh tế tập thể trở thành “vệ tinh của doanh nghiệp nông nghiệp” phát triển nhanh vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phát triển phát triển cây vụ Đông để bổ trợ cho chính ngành hàng chăn nuôi, thông qua đây để có sự liên kết chặt chẽ.

Các địa phương tìm hướng liên kết làm sao khi sản phẩm của trồng trọt tạo ra có thể là đầu vào của chăn nuôi mà doanh nghiệp là hạt nhân trong chuỗi.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để tránh đầu vụ hô hào tăng trưởng về diện tích song cuối năm thì lại không tiêu được sản phẩm, năm nay, ngay từ đầu các địa phương cần hình thành sản xuất có chuỗi liên kết kín từ phát triển nguyên liệu, tổ chức chế biến cho đến thị trường tiêu thụ.

Bộ cũng đã mời gọi các doanh nghiệp ở từng nhóm sản phẩm để hướng dẫn gắn kết với từng nhóm địa phương có những sản phẩm chủ lực, tạo thành sự liên kết chặt chẽ, đồng bộ để không chỉ người nông dân đảm bảo thắng lợi trong sản xuất mà bản thân doanh nghiệp cũng lựa chọn được nhiều sản phẩm trong phương án tổ chức sản xuất kinh doanh của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục