VỤ Đông 2020: Ưu tiên phát triển ngô sinh khối

12:07' - 31/08/2020
BNEWS Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thực tiễn vừa qua chứng minh, nơi nào làm tốt người nông dân có thể làm giàu từ những vụ Đông này.

Sáng 31/8 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông năm 2019 và kế hoạch triển khai vụ Đông năm 2020 các tỉnh phía Bắc”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ ra, thị trường thế giới đang khá thuận cho tiêu thụ một số nhóm nông sản; trong đó có các nhóm của cây vụ Đông.

Chính vì thế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bàn cùng các địa phương cần tập trung khai thác tốt thế mạnh này để một mặt giải quyết việc làm cho nông dân; một mặt xác định vụ Đông là vụ chính ở miền Bắc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thực tiễn vừa qua chứng minh, nơi nào làm tốt người nông dân có thể làm giàu từ những vụ Đông này.

Năm nay chúng ta cần tận dụng tốt cơ hội này bởi mùa Đông với sản phẩm đặc thù; tận dụng tốt với thị trường thế giới đang có tín hiệu khá tốt; đồng thời tận dụng cơ hội để đẩy tổng giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp năm 2020 tăng hơn nữa.

Năm nay còn mở ra một cơ hội nữa là đẩy mạnh liên kết giữa khu vực chăn nuôi và khu vực trồng trọt để tạo ra một dư địa trong phát triển.

Sản phẩm sữa Việt Nam xuất khẩu sang được nhiều thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, mở ra một cơ hội lớn về thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc tạo ra sữa và thịt đỏ.

Thời gian tới nhu cầu thực phẩm về thịt đỏ trong nước tăng trưởng rất nhanh. Chính vì thế nhu cầu ngô sinh khối là rất lớn, đặc biệt trong mùa Đông, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra.

Vụ Đông 2020, ngành nông nghiệp đạt kế hoạch sản xuất 430.000 đến 450.000 ha, tăng khoảng 10 - 20% diện tích so với vụ Đông 2019. Sản lượng phấn đấu đạt 4,6 - 4,95 triệu tấn, tăng 10 - 15% sản lượng so với vụ đông 2019. 

Tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 34.200 – 36.600 tỷ đồng, trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 75 triệu đồng/ha.

Dự báo, năm nay, Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập rau lớn do tình hình bão lũ ảnh hưởng đến sản xuất rau các loại, khoai tây, cà rốt, nhóm rau cải....; các mặt hàng rau, củ Trung Quốc cạnh tranh với Việt Nam tại các thị trường khác sẽ giảm do thiếu nguồn cung.

Các địa phương sẽ tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Với cơ cấu nhóm cây ưa ấm như: ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm chiếm tỷ lệ khoảng 55% tổng diện tích cây vụ Đông; nhóm cây ưa lạnh như: khoai tây, rau đậu ưa lạnh khoảng 45% tổng diện tích.

Ngoài phát triển cây lương thực, thực phẩm, vụ Đông 2020, ngành nông nghiệp tập trung ưu tiên phát triển ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi Tổng nhu cầu ngô sinh khối cần cho chăn nuôi đại gia súc là 27,6 triệu tấn/năm; trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi tự cung cấp được khoảng 70% còn lại cần mua ngoài là 30% (khoảng 8 triệu tấn).

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, do thời vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2020 sớm hơn năm trước nên điều kiện bố trí sản xuất vụ Đông thuận lợi hơn đặc biệt là nhóm cây ưa ấm. Căn cứ vào thời vụ thu hoạch lúa, địa phương cần tận dụng thời gian gieo trồng sớm tập trung tháng 9 và đầu tháng 10 với nhóm cây ưa ấm giữa tháng 10 và tháng 11 với nhóm cây ưa lạnh.

Để sản xuất vụ Đông 2020 đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, ông Nguyễn Như Cường cho rằng, các địa phương cần sớm chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách mới, phù hợp điều kiện cụ thể để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển cây vụ Đông.

Nội dung hỗ trợ cần tập trung gồm: xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ những vùng có diện tích cây vụ Đông lớn, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.

Địa phương cần hỗ trợ kinh phí mua giống cây trồng, đặc biệt là các giống cây trồng mới nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất vụ Đông; đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng theo hướng sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để sẵn sàng cho sản xuất vụ Đông, các địa phương cần rà soát điều chỉnh kế hoạch vùng gieo trồng cây vụ đông; đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, hình thành những vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Các địa phương chủ động tiêu thoát nước sớm, thu hoạch nhanh, gọn diện tích trà lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa sớm; chuẩn bị cây con (làm bầu) để có thể trồng cây vụ Đông ngay sau khi thu hoạch lúa; bố trí quỹ đất hợp lý cho cây vụ Đông sớm.

Với nhóm cây ưa ấm cần lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, gieo trồng càng sớm càng tốt; với nhóm cây rau đậu cần bố trí trồng thành nhiều trà để khai thác tối đa điều kiện đất đai, công lao động, tránh rớt giá và tăng hiệu quả kinh tế.

Vụ Đông 2019, các tỉnh phía Bắc gieo trồng đạt 388 nghìn ha, tăng 3,7 nghìn ha so với vụ Đông 2018 và thấp hơn 12 nghìn ha so với kế hoạch. Tổng sản lượng cây trồng vụ đông 2019 đạt 4.413,3 nghìn tấn, giảm 34,5 nghìn tấn so với vụ Đông 2018. Tổng giá trị cây vụ Đông 2019 đạt khoảng 31.500 tỷ đồng, cao hơn gần 2.500 tỷ so với vụ Đông 2018.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới giá trị thu nhập cây trồng vụ Đông 2019 cao hơn so với vụ Đông 2018 do cơ cấu cây đã có sự chuyển dịch từ cây trồng có giá trị thấp sang cây trồng có giá trị cao hơn như: nhóm cây dược liệu; nhóm rau ăn củ, ăn quả rau chất lượng cao; ngô thực phẩm, ngô sinh khối; hoa chất lượng cao, cây cảnh,...; sản xuất trong nhà màn, nhà lưới gắn với sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm có thị trường đầu ra ổn định.

Tại hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc giữa đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình với các công ty: sữa Vinamilk, sữa TH True Milk và Công ty T&T 159./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục