Sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020 được dự báo nhiều khó khăn

14:55' - 30/09/2019
BNEWS Theo dự báo, sản xuất lúa Đông Xuân 2019 - 2020 ở tỉnh Kiên Giang sẽ gặp nhiều khó khăn, bất lợi so với những vụ mùa trước đây.

Sản xuất lúa Đông Xuân 2019 - 2020, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch gieo trồng 289.000 ha, phấn đấu năng suất bình quân 6,9 tấn/ha, sản lượng 2 triệu tấn trở lên.

Đến đầu tháng 10, tỉnh đã xuống giống hơn 5.000 ha, tập trung ở huyện U Minh Thượng.

Dự báo sản xuất lúa Đông Xuân 2019 - 2020 ở tỉnh Kiên Giang sẽ gặp nhiều khó khăn, bất lợi so với những vụ mùa trước đây. Ảnh minh họa: TTXVN

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đã xây dựng lịch thời vụ trên các vùng sản xuất trọng điểm, khuyến cáo nông dân tuân thủ gieo sạ đúng lịch, nhằm hạn chế dịch bệnh gây hại, xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt.

Tuy nhiên, dự báo sản xuất lúa Đông Xuân 2019 - 2020 ở tỉnh Kiên Giang sẽ gặp nhiều khó khăn, bất lợi so với những vụ mùa trước đây.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong mùa lũ 2019 ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ ở mức thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm và mùa mưa kết thúc sớm.

Tổng lượng dòng chảy thượng nguồn Mê Công về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm.

Mực nước trước nguy cơ thấp hơn năm 2015, là năm lũ rất nhỏ kéo theo hệ lụy xâm nhập mặn và hạn hán gay gắt năm 2016, kịch bản này có khả năng lặp lại, thậm chí là nghiêm trọng hơn trong những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, gây bất lợi cho sản xuất.

Theo đó, lũ thấp dẫn đến nước vô đồng hạn chế, ít phù sa bồi đắp cho ruộng, các độc chất và mầm bệnh còn lưu tồn không được rửa trôi sẽ gây khó khăn cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 và dự báo một số đối tượng dịch hại như chuột, ốc bươu vàng... có thể xuất hiện, gây hại vào đầu vụ.

Ngoài ra, sản xuất lúa Đông Xuân chính vụ thời tiết nắng nóng ở giai đoạn đòng - trỗ là điều kiện thích hợp cho rầy phấn trắng, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xuất hiện gây hại.

Khắc phục những khó khăn, bất lợi này, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân bố trí cơ cấu giống hợp lý, chủ động khắc phục khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Xuống giống tập trung, né rầy theo khung lịch thời vụ. Bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo nguyên tắc "bốn đúng", an toàn và hiệu quả.

Hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tế đồng ruộng như: 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp IPM… Cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật xã cùng với nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện, xử lý những bất thường, bất lợi trong sản xuất lúa.

Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, Sở chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương quản lý, thực hiện đúng lịch gieo sạ, hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là về lúa giống, biện pháp cải tạo mặn các cánh đồng vùng ven biển, tăng diện tích gieo trồng giống chất lượng cao gắn với sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, hợp tác, liên doanh liên kết, bao tiêu sản phẩm…

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bố trí cơ cấu nhóm giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như nhóm giống gạo thơm gồm Jasmine85, Đài thơm 8, OM4900, ST24,…; nhóm giống hạt dài, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, gồm: OM5451, GKG1, OM2517, OM6976,…; nhóm giống hạt tròn Japonica và nếp gồm: ĐS1, IR4625,...

Diện tích sản xuất 3 nhóm giống lúa này chiếm hơn 85% tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh vụ Đông Xuân.

Ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác theo dõi cập nhập thông tin về giá cả thị trường, dịch bệnh trên cây trồng, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo về diễn biến của thời tiết.

Phối hợp chặt chẽ với Đài khí tượng thủy văn tỉnh và Trung ương để có dự báo, cảnh báo cụ thể tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, tình hình mưa lũ…

Theo dõi, quản lý chặt chẽ dịch bệnh trên cây trồng ở từng khu vực để xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời linh hoạt và hiệu quả nhằm hạn chế đến mức tối thiểu về thiệt hại sản xuất.

Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương vận hành tốt hệ thống cống điều tiết nước để phục vụ sản xuất; rà soát lại các hệ thống công trình cống, đập, nạo vét kênh mương trữ nước khi cần thiết; vận động nông dân nạo vét kênh mương, gia cố bờ bao, cống đập, chủ động bơm tát gieo sạ đồng loạt.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục