Sáng 6/6, Quốc hội nghe báo thẩm tra, thảo luận tổ về các dự án giao thông

07:58' - 06/06/2022
BNEWS Sáng 6/6, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra Chủ trương đầu tư các dự án đường bộ cao tốc; Báo cáo thẩm tra Chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và dự án đường Vành đai 3 Tp Hồ Chí Minh...

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, sáng 6/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung này.

 

Đầu phiên làm việc chiều, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Sau đó, các đại biểu thảo luận tại hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Cho ý kiến về nội dung này tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh. Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia. Việc cơ bản hoàn thành dự án đã góp phần phát triển đất nước, đặc biệt là đối với các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ.

Đồng thời, việc hoàn thành mục tiêu thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các vùng chiến khu, kháng chiến. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 02 năm nhưng một số đoạn tuyến chưa được hoàn thành để nối thông toàn tuyến. Quá trình triển khai thực hiện Dự án còn có những hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ, toàn diện và tổ chức rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Dự án không đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội; cần làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của Trung ương, địa phương; tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh báo cáo theo hướng thực hiện tiếp các đoạn tuyến đang dở dang và tổng kết, đánh giá kết thúc dự án, thực hiện quyết toán dự án theo quy định.

Đối với các đoạn tuyến còn lại, Chính phủ rà soát nhu cầu, đánh giá hiệu quả đầu tư trong điều kiện có nhiều tuyến đường đã và đang triển khai, sự phù hợp với quy hoạch giao thông và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, khả năng huy động nguồn lực của xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo từng đoạn tuyến.

Về nguyên tắc, đối với các đoạn tuyến cụ thể, phải bố trí vốn để hoàn thành toàn tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội. Trước mắt, cần rà soát, sắp xếp lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để cân đối đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đầu tư đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn kết nối giao thông của An toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên; đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao -Vĩnh Thuận kết nối giao thông đồng bằng sông Cửu Long nhằm thông tuyến đường Hồ Chí Minh quy mô 2 làn xe.

Cần rà soát, báo cáo làm rõ về việc đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến có nằm trong phạm vi đường Hồ Chí Minh cần hoàn thành theo Nghị quyết của Quốc hội hay không và có đề xuất cụ thể về bố trí vốn cho đoạn tuyến này. Chú ý công tác bảo dưỡng, chống xuống cấp ở một số đoạn, tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại của các dự án, các tuyến đã được đầu tư ở khu vực Tây Nguyên, nhất là việc di dời trạm thu phí ở Đắk Lắk./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục