Sáng tạo ứng dụng số trong thương mại điện tử

11:36' - 09/11/2024
BNEWS Thương mại điện tử là lĩnh vực tiềm năng, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế số, thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp,

Ngày 8/11, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo "Sáng tạo ứng dụng số trong thương mại điện tử".

Tại Hội thảo, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho rằng Hội thảo sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố kết nối với doanh nghiệp công nghệ số trong quá trình chuyển đổi số nói chung của doanh nghiệp và phát triển thương mại điện tử, giao dịch điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, hàng hóa! đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số cho thành phố.

Ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển nhiều chương trình, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Một số chính sách bao gồm phát triển hạ tầng công nghệ số, hỗ trợ thanh toán không tiền mặt và tăng cường bảo mật, thúc đẩy giao dịch điện tử. Bộ cam kết đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.

                                                   Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi và cho rằng, thương mại điện tử là lĩnh vực tiềm năng, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế số, thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để khai thác thác tối đa cơ hội từ lĩnh vực này, các doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ một cách toàn diện và hiệu quả.

 
Bên cạnh đó, để mang lại những giải pháp công nghệ ứng dụng hiệu quả, thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết được các bài toán đặc thù trong các lĩnh vực thương mại điện tử, vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam rất quan trọng. Yêu cầu đặt ra đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số cho thương mại điện tử là phải phù hợp với các bài toán, nhu cầu thực tế của người dùng, ngành, lĩnh vực.

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội chia sẻ, trong quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, lĩnh vực kế toán, thuế và khâu thiết kế được thực hiện chuyển đổi số mạnh nhất với gần 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên. Vấn đề nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn. Hơn 45% doanh nghiệp đã có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; 20% doanh nghiệp không có dự toán ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này.

Từ kết quả trên, cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội. Cụ thể, Hà Nội đã tận dụng nguồn lực tài chính để hỗ trợ khoảng 100.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số. Hỗ trợ này bao gồm việc cung cấp tài liệu hướng dẫn, đào tạo kiến thức, tư vấn, cung cấp các nền tảng số hóa và hỗ trợ tài chính cho việc mua hoặc thuê các giải pháp chuyển đổi số. Thành phố khuyến khích doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và hóa đơn điện tử. Đây là bước quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững và cải thiện hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời đại số hiện nay.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực làm chủ công nghệ đi ra toàn cầu. Trong tháng 6/2024, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch “Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025”. Với tinh thần “Chính quyền đồng hành - doanh nghiệp hiến kế - kinh tế phát triển”, Hà Nội xác định các mục tiêu và nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghệ số. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là việc tạo lập thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục