Sáng tạo xanh đưa nông sản vào chế biến ẩm thực Việt và xuất khẩu

16:27' - 31/07/2024
BNEWS Theo các chuyên gia, những ý tưởng sáng tạo xanh đưa ra được sản phẩm ẩm thực và giới thiệu đến thị trường sẽ truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo trong cộng đồng khởi nghiệp.

Ngày 31/7, tại Tọa đàm “Sáng tạo xanh: Đưa khoai mì vào ẩm thực Việt” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chương trình Chuẩn hội nhập tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu thì phát triển những sản phẩm từ nguồn nguyên liệu xanh, bền vững trở nên vô cùng quan trọng. Đồng thời, nguồn nguyên liệu bản địa giàu dinh dưỡng còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo tồn văn hóa ẩm thực Việt.

 

Theo các chuyên gia, những ý tưởng sáng tạo đưa ra được sản phẩm thực tế và giới thiệu đến thị trường sẽ truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo trong cộng đồng khởi nghiệp, hướng đến một tương lai phát triển bền vững với tài nguyên bản địa khắp các tỉnh thành của Việt Nam. Với sự tham gia tích cực của đơn vị sản xuất kinh doanh sẽ đóng gióp thiết thực vào việc gia tăng giá trị và phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm Việt Nam.

Điển hình, khoai mì (sắn) từ lâu đã là một loại nông sản nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam. Từ những món ăn dân dã ở các vùng quê đến những món tráng miệng tinh tế trong các nhà hàng sang trọng. Đặc biệt, ngày nay tinh bột khoai mì dùng trong chế biến các loại bánh, kẹo; hay lên men để sản xuất các loại nước giải khát, rượu và sản phẩm khác.

Ngày 17/4/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1115/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, mục tiêu đến năm 2030 sản lượng mì tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn, Trong số đó, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính…) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng mì sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt 1,8-2,0 tỷ USD.

Về tầm nhìn đến năm 2050 ngành hàng mì của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, đạt 70-80% diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính…) chiếm trên 90%. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.

Liên quan đến câu chuyện khởi nghiệp trên nền tảng khai thác tài nguyên bản địa, nông sản địa phương, anh Đặng Khánh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên chia sẻ, những ngày đầu khởi nghiệp thì bánh tráng đòi hỏi phải trắng, không có màu mà không sử dụng hóa chất nên phải tự tự làm, tự tráng bánh, kể cả khi các công nhân về hết vẫn một mình làm, nghiên cứu thử nghiệm hết cách này đến cách khác. Tuy nhiên, đó là “sự thất bại” đáng giá, bởi sản phẩm bánh tráng không nhúng nước của Tân Nhiên đã thật sự là một “đột phá”.

Hiện nay, thương hiệu bánh tráng không nhúng nước của Công ty TNHH Tân Nhiên không chỉ là thương hiệu tại tỉnh Tây Ninh, mà đã có mặt tại hầu hết địa phương và xuất khẩu đi hàng chục nước trên thế giới. Theo đó, nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng cho doanh nghiệp sản xuất bánh tráng chính là khoai mì.

Anh Đặng Khánh Duy cũng chia sẻ thêm, với chiến lược đảm bảo làm ra thực phẩm sạch nên trước khi xây nhà máy doanh nghiệp đã đi tham khảo rất nhiều nhà máy, mô hình khác nhau. Nhưng đến khi xây nhà máy xong và mời các chuyên gia ISO đến thì họ “lắc đầu” sai hết và doanh nghiệp lại phải sửa lại năm lần bảy lượt mới xong.

Xuất phát điểm từ một cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ lẻ năm 2018, đến tháng 6/2020 quy mô của Tân Nhiên được mở rộng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, cũng như góp phần mở ra đầu ra tiêu thụ cho cây khoai mì. Trong nước sản phẩm của Tân Nhiên đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Tính đến thời điểm này, quy trình sản xuất bánh tráng Tân Nhiên đã đạt tiêu chuẩn cao nhất FSSC 22000 của Sáng kiến An toàn Thực phẩm Toàn cầu (GFSI), đây là tấm vé để Tân Nhiên đi ra thế giới. Hiện tại, sản phẩm của Tân Nhiên đã có mặt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và sắp tới dự kiến là thị trường Mỹ.

Ở góc độ chuyên gia ẩm thực, Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương đánh giá cao tính tiện lợi “không cần nhúng nước” của bánh tráng Tân Nhiên, bởi với kinh nghiệm đầu bếp thì đây là một điểm cộng cực lớn. Ngoài những tiêu chuẩn về chất lượng đương nhiên phải có, thì tiêu chuẩn mỏng không nhúng nước có thể xem là một bước “đột phá” đối với nhóm ngành sản xuất chế biến bánh tráng nói riêng khi khai thác được nguồn nguyên liệu nội địa, đối với ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Việt nói chung, vì món gỏi cuốn Việt đã nổi tiếng trên bản đồ ẩm thực từ lâu.

Còn về phía hiệp hội doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay, khâu chế biến nông sản vẫn là một trong những khâu hạn chế của Việt Nam, tuy nhiên trong thời gian gần đây từ việc phát triển tài nguyên bản địa, ứng dụng công nghệ cho ra sản phẩm mới đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Hơn thế nữa, việc xuất hiện phân khúc doanh nhân trẻ say mê khai thác tài nguyên bản địa tại địa phương thành sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa và quốc tế cho phép kỳ vọng ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, nhất là nông sản chuyển mình phát triển bền vững hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục