Sanofi giải quyết rắc rối liên quan tới thuốc bị nghi có chất gây ung thư

14:18' - 04/04/2024
BNEWS Sanofi không tiết lộ các điều khoản tài chính của thỏa thuận. Tập đoàn cũng không thừa nhật bất cứ trách nhiệm pháp lý nào và cho biết đang cố gắng dàn xếp để tránh tốn kém và rắc rối do kiện tụng.
Tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp ngày 3/4 đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về dàn xếp 4.000 vụ kiện ở Mỹ liên quan thuốc điều trị chứng rối loạn dạ dày Zantac. Thuốc này bị nghi ngờ có chứa chất N-nitrosodimethylamine (NDMA) gây ung thư.

Sanofi không tiết lộ các điều khoản tài chính của thỏa thuận. Tập đoàn cũng không thừa nhật bất cứ trách nhiệm pháp lý nào và cho biết đang cố gắng dàn xếp để tránh tốn kém và rắc rối do kiện tụng.

 
Thỏa thuận trên sẽ dàn xếp hầu hết các vụ kiện thuốc Zantac tại tòa án các bang ở Mỹ. Tuy nhiên, Sanofi vẫn phải đối mặt với 20.000 vụ kiện thuốc này tại tòa án bang Delaware. Một thẩm phán tại tòa án bang này cũng đang xem xét 70.000 vụ kiện Sanofi và các hãng dược nổi tiếng khác như GSK, Pfizer và Boehringer Ingelheim.

Các nhà sản xuất thuốc khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy Zantac khiến người dùng tiếp xúc với chất NDMA ở mức độ gây hại. Hiện hai bên nguyên đơn và bị đơn đang chờ phán quyết của thẩm phán xác định liệu có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh thuốc Zantac gây ung thư hay không.

Năm 2022, các nhà sản xuất thuốc đã giành được chiến thắng khi một thẩm phán Mỹ bác bỏ khoảng 50.000 vụ kiện tương tự đối với thuốc Zantac.

Thẩm phán này kết luận rằng các chuyên gia của nguyên đơn nhận định Zantac có thể gây ung thư, song không có đủ bằng chứng khoa học xác minh việc này. Bên nguyên đơn đang kháng cáo phán quyết trên.

Được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 1983, Zantac trở thành loại thuốc bán chạy nhất thế giới vào năm 1988 và là một trong những loại thuốc đầu tiên đạt doanh thu 1 tỷ USD/năm.

Năm 2019, một số nhà sản xuất và hiệu thuốc đã tạm dừng bán Zantac sau khi phát hiện chất NDMA có trong loại thuốc này. Một số thử nghiệm cho thấy hoạt chất ranitidine có trong Zantac có thể phân hủy thành NDMA theo thời gian hoặc khi tiếp xúc với nhiệt. Năm 2020, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã yêu cầu các nhà sản xuất thu hồi loại thuốc này trên thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục