Sắp diễn ra Diễn đàn khoa học về trọng tài - hòa giải 2024

21:21' - 29/02/2024
BNEWS Chuỗi sự kiện sẽ gồm nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề về các nội dung như biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài và tác động của bên thứ ba.

Theo tin từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), từ ngày 22/3 đến ngày 11/4 tại Tp. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động Diễn đàn khoa học về trọng tài, hòa giải 2024 (viết tắt là AMS 2024), với chủ đề chính là "Bên thứ ba và các tác động với quy trình tố tụng trọng tài".

Sự kiện được tổ chức với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Theo đó, chuỗi sự kiện sẽ gồm nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề về các nội dung như biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài và tác động của bên thứ ba; thi hành phán quyết trọng tài và các vấn đề phát sinh liên quan đến bên thứ ba; hòa giải trong quá trình giải quyết tại trọng tài; vai trò của bên thứ ba trung lập và tác động đối với việc xử lý tranh chấp và diễn đàn thảo luận hoàn thiện các cơ chế về bên thú ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài.

 

Đại diện Ban tổ chức cho biết, qua thời gian, hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nói riêng và bằng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs) nói chung đang dần khẳng định được tính hiệu quả đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, tỷ lệ các tranh chấp được giải quyết thông qua trọng tài, hòa giải có xu hướng tăng lên rõ rệt so trong năm 2023, với hầu hết các tranh chấp đều có giá trị lớn, phát sinh từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đặt trong bối cảnh tranh chấp gia tăng và quá trình hơn 13 năm áp dụng Luật Trọng tài Thương mại 2010, thời gian gần đây, nhiều nội dung liên quan đến yếu tố chủ thể tham gia tranh chấp đang được đưa ra thảo luận, phân tích nhằm mục tiêu cải tiến, hoàn thiện khung pháp lý về trọng tài tại Việt Nam.

Qua thực tiễn, có thể thấy rằng, ngoài các bên trong tranh chấp, yếu tố "bên thứ ba" dần xuất hiện hiện nhiều hơn trong các vụ việc, ở nhiều vai trò khác nhau và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sự công bằng, minh bạch và hiệu quả của phương thức trọng tài và hòa giải.

Tuy nhiên, mặc dù vai trò của bên thứ ba trong quá trình giải quyết tranh chấp được công nhận, nhưng với xuất phát điểm là cơ chế giải quyết tranh chấp tư, chi phối bởi thỏa thuận trọng tài giữa hai bên, hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật về trọng tài nào tại Việt Nam cung cấp định nghĩa cụ thể và chi tiết về vai trò và quyền hạn của bên thứ ba. Điều này tạo nên những trở ngại nhất định khi giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài cũng như hòa giải.

Với mục tiêu thảo luận những vấn đề phát sinh liên quan đến yếu tố "bên thứ ba" trong tố tụng trọng tài ở góc độ quy định pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, cùng với đó là phân tích, kiến nghị về cơ chế cho bên thứ ba trong khung pháp lý trọng tài, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng khối cơ sở đào tạo luật và một số đối tác quyết định triển khai chuỗi sự kiện này.

Diễn đàn khoa học về trọng tài - hòa giải (AMS) là chuỗi hoạt động học thuật thường niên được VIAC và các đối tác triển khai vào đầu mỗi năm, hướng đến cung cấp cho người tham dự diễn đàn trao đổi chuyên môn hữu ích; góp phần hỗ trợ hiệu quả cho quá trình tham gia giải quyết tranh chấp và hoàn thiện khung pháp lý về ADRs tại Việt Nam.

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) là tổ chức trọng tài, hòa giải hàng đầu tại Việt Nam và có uy tín quốc tế. Những năm gần đây, VIAC đã giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp trong nước và quốc tế liên quan đến tất cả lĩnh vực như mua bán hàng hóa, vận tải, bảo hiểm, xây dựng, tài chính, ngân hàng, đầu tư và các lĩnh vực khác với các bên tranh chấp đến từ hầu hết các tỉnh thành tại Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác kinh tế thương mại hàng đầu của Việt Nam. VIAC hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải hoặc các phương thức giải quyết tranh chấp khác theo quy định của pháp luật một cách thân thiện, công bằng, thuận lợi và nhanh chóng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ giữa các tổ chức và cá nhân trong nước, giữa Việt Nam với nước ngoài.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục