Sắp diễn ra Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều Thanh Hà

10:40' - 05/05/2024
BNEWS Năm nay việc xúc tiến thương mại tiêu thụ vải đã mở rộng đến Thương vụ Việt Nam và kết nối trực tuyến với doanh nghiệp nước ngoài để tìm hướng đi bền vững, nâng cao giá trị quả vải thiều Thanh Hà.

Bộ Công Thương cho biết: Thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại năm 2024, Sở Công Thương Hải Dương giao Trung tâm Xúc tiến thương mại chủ trì phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và UBND huyện Thanh Hà phối hợp tổ chức hội nghị “Xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài” vào ngày 9/5 tại hội trường UBND huyện Thanh Hà và một số điểm cầu trực tuyến của Thương vụ Việt Nam, doanh nghiệp nhập khẩu tại nước ngoài.

 

Hội nghị nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, chế biến và kinh doanh vải thiều của Thanh Hà nói riêng và Hải Dương nói chung đẩy mạnh xúc tiến thương mại; quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, phát triển thị trường.

Đặc biệt, năm nay việc xúc tiến thương mại tiêu thụ vải đã mở rộng đến Thương vụ Việt Nam và kết nối trực tuyến với doanh nghiệp nước ngoài để tìm hướng đi bền vững, nâng cao giá trị quả vải thiều Thanh Hà.

Do đó, dự kiến sẽ có khoảng 200 khách mời gồm đại biểu Bộ Công Thương, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và lãnh đạo các huyện, thị, thành phố; đại diện các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh.

Theo UBND huyện Thanh Hà, chỉ khoảng 2 tuần nữa vải Thanh Hà sẽ cho thu hoạch. Trà vải cho thu hoạch sớm nhất là u trứng trắng, sau đó đến u trứng gai, u hồng, u thâm, tàu lai. Vải thiều chính vụ cho thu hoạch vào giữa tháng 6, sản lượng không đáng kể. Năm 2023, huyện Thanh Hà thu hoạch 40.000 tấn vải (vải sớm 25.000 tấn, vải chính vụ 15.000 tấn), giá bán khoảng 27.000 đồng/kg.

Thống kê cho thấy, huyện Thanh Hà có 3.265ha vải; trong đó, có 1.700ha vải sớm và chất lượng vải thiều không ngừng được nâng cao. Toàn huyện có khoảng 500ha vải đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó có 400ha VietGAP và 50ha GlobalGAP còn hiệu lực. Năm 2024 dự kiến tiếp tục sản xuất và chứng nhận đạt chuẩn GAP khoảng 200ha.

Mỗi năm vải thiều chỉ cho thu hoạch vào 2 tháng 5 và 6, nếu kéo dài hơn sẽ thêm vào ngày đầu tháng 7. Hơn nữa, với vẻ đẹp của vườn vải trĩu quả đã thu hút hàng chục nghìn du khách tham quan, trải nghiệm, là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp.

Đáng lưu ý, vải thiều Thanh Hà đã được chứng nhận “chỉ dẫn địa lý” và nhiều danh hiệu uy tín khác như: “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” và là đặc sản “Tinh hoa đặc sản 3 miền”; giải thưởng “Thương hiệu vàng”, chứng nhận “Thương hiệu thực phẩm an toàn tin dùng”, Top 10 Thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng do Liên hiệp Khoa học doanh nhân Việt Nam và tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo bình chọn.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương xây dựng các phương án, kịch bản đẩy mạnh tiêu thụ quả vải thiều Thanh Hà và nông sản tại thị trường nước ngoài. Đặc biệt, vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Australia... và dần chinh phục được thị hiếu của người tiêu dùng các quốc gia này với sản lượng xuất khẩu tăng dần theo từng năm.

Bên cạnh việc vải thiều Thanh Hà của tỉnh Hải Dương đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao về chất lượng của nhiều đầu mối nhập khẩu nước ngoài, Bộ Công Thương còn đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương thực hiện hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường trong nước. Cùng đó, Bộ đã phối hợp các cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền rộng rãi nhằm kích cầu tiêu dùng của nhân dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục