Sắp điều trần công khai để định đoạt số phận Dự án Keystone XL

09:39' - 09/08/2017
BNEWS 5 tháng sau khi được chính phủ của Tổng thống Mỹ Trump chấp thuận, đường ống dẫn dầu Keystone XL của TransCanada một lần nữa sẽ phải trải qua điều trần công khai để được định đoạt về số phận.
Sắp điều trần công khai để định đoạt số phận Dự án Keystone XL. Ảnh minh họa: Reuters

5 tháng sau khi được chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp thuận, đường ống dẫn dầu Keystone XL của TransCanada một lần nữa sẽ phải trải qua điều trần công khai để được định đoạt về số phận. Các buổi điều trần sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại Lincoln - thủ phủ tiểu bang Nebraska của Mỹ.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp giấy phép cho TransCanada của Canada xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL nối nước này và Mỹ từ ngày 24/3, hai tháng sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh cho phép nối lại dự án, Keystone XL vẫn cần có giấy phép từ ba tiểu bang của Mỹ là Montana, South Dakota và Nebraska - nơi đường ống sẽ đi qua.
Hai tiểu bang Montana và South Dakota đã chấp thuận tuyến đường ống, chỉ còn Nebraska. TransCanada phải trải qua các cuộc điều trần về dự án Keystone XL, sẽ được tổ chức công khai vào ngày 11/8 trước Ủy ban Dịch vụ Công cộng tiểu bang này.

Theo luật pháp Mỹ, sau khi Tổng thống ký sắc lệnh phê duyệt dự án, ủy ban này có 210 ngày để xem xét chấp thuận hay không.
Nếu chính quyền Nebraska chấp thuận đường ống, TransCanada sẽ có giấy phép tiến hành xây dựng ngay sau đó và có thể xây dựng một đường ống dẫn dầu dài 1.900 km để vận chuyển 830.000 thùng dầu mỗi ngày từ tỉnh Alberta của Canada tới các nhà máy lọc dầu của Mỹ gần Houston, Texas. Ngược lại, Keystone XL sẽ một lần nữa bị chặn lại.
Có thể nói, Nebraska là “chiến trường” cuối cùng giữa những người ủng hộ và những người phản đối dự án Keystone XL.

Đối với những người bảo vệ Keystone XL, đây là điểm kết thúc của một cuộc đua bắt đầu từ tháng 7/2008. Còn đối với những người phản đối, Nebraska là trận chiến cuối cùng và hy vọng cuối cùng để ngăn chặn dự án.
Những người phản đối cho biết sẽ kiên quyết ngăn chặn dự án này. Bởi vì, họ đặc biệt lo ngại sự cố tràn dầu có thể gây nguy hiểm cho hệ sinh thái vùng Midwest nước Mỹ, nơi nền kinh tế hầu như phụ thuộc vào nông nghiệp.

Tuy nhiên, TransCanada tỏ ra rất lạc quan về kết quả các buổi điều trần sắp tới. Theo một đại diện của TransCanada, tập đoàn này đã đạt được thỏa thuận với đại đa số chủ sở hữu đất dọc theo tuyến đường ống sẽ đi qua ở tiểu bang Nebraska, với hơn 90% hợp đồng mua lại đất đai đã được ký.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục