Sắp tổ chức Triển lãm quốc tế về hạ tầng cảng biển và logistics

13:27' - 04/04/2019
BNEWS Triển lãm quốc tế về cơ sở hạ tầng cảng biển và logistics (Vipilec 2019) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, dự kiến diễn ra từ ngày 12 – 14/6 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Nhằm đón đầu làn sóng phát triển ngành logistics, Triển lãm quốc tế về cơ sở hạ tầng cảng biển và logistics (Vipilec 2019) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, dự kiến diễn ra từ ngày 12 – 14/6 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Triển lãm do Công ty UBM Việt Nam phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức.

Dự kiến, sự kiện thu hút 100 đơn vị đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.

Triển lãm là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh và trưng bày các sản phẩm, công nghệ tiên tiến về lưu trữ và sắp xếp nguyên vật liệu, dịch vụ vận hành cảng, phần mềm quản lý xuất hàng, gửi hàng và vận chuyển, phần mềm quản lý kho, hàng tồn kho và lưu trữ…

Ngoài ra, Vipilec 2019 là diễn đàn công nghệ dành cho các chuyên gia trong ngành gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về thực trạng, xu hướng phát triển của ngành logistics, chuỗi quản lý cung ứng…

Theo Ban Tổ chức, hiện Chính phủ đã có nhiều quy hoạch xây dựng và đưa vào vận hành các trung tâm logistics, các khu công nghiệp logistics, cụm logistics; nâng cấp đáng kể hệ thống hạ tầng giao thông; trong đó, việc xây dựng cảng nước sâu tại Tp. Hồ Chí Minh gần đây đã cải thiện dòng chảy thương mại và giảm chi phí vận chuyển trong lĩnh vực logistics.

Ông BT Tee, Tổng Giám đốc Công ty UBM Việt Nam cho biết, triển lãm và hội thảo lần này sẽ tạo sự kết nối với các đối tác, doanh nghiệp trên thế giới trong lĩnh vực cảng biển và logistics.

Qua đó, mở ra cơ hội kinh doanh mới, với các công nghệ tiên tiến thuộc tất cả các loại hình logistics.

Hiện nay, chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Singapore và Thái Lan.

Ngoài ra, Việt Nam đứng đầu trong các thị trường mới nổi và xếp hạng cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành logistics tăng trưởng hàng năm từ 15 – 20%; đóng góp vào GDP khoảng 8 – 10%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics khoảng 50 – 60%.

Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/1/2019 đưa ra chỉ tiêu năm 2020, chỉ số LPI của Việt Nam sẽ nằm trong Top 30 - 35 thế giới (theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới).

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, thị phần logistics tại Việt Nam do các công ty nước ngoài nắm giữ là 12,7% (năm 2017).

Phần lớn các công ty được niêm yết có vốn sở hữu nước ngoài chiếm tỷ lệ dưới 36%.

Hiện cơ hội trong ngành logistics của Việt Nam còn rất nhiều; trong đó, thị trường thương mại điện tử dự kiến phát triển 25% trong giai đoạn 2018 – 2020.

Dịch vụ giao hàng nhanh dự kiến phát triển trên 30%, với sự tham gia của nhiều công ty nội địa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục