Sau 5 tháng, Brexit gây thiệt hại cho các doanh nghiệp của cả Anh và EU

15:20' - 31/05/2021
BNEWS Số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh (ONS) cho thấy việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đang làm tổn thương dòng chảy thương mại và đầu tư của cả Anh lẫn EU.

Theo bài phân tích đăng trên báo The Business Times, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra và sự gián đoạn về thủ tục giấy tờ hải quan đã gây thiệt hại về thương mại cho cả hai bên.

Các số liệu của ONS trong ba tháng đầu năm 2021 cho thấy thương mại giữa Anh và EU giảm 23,1% so với cùng kỳ năm 2020. Ngược lại, thương mại giữa Anh với các khu vực còn lại của thế giới chỉ giảm 0,8%. 

Tuy nhiên, sự gián đoạn do cuộc khủng hoảng COVID-19 và sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu có nghĩa là những con số thống kê về thương mại đó chắc chắn còn thay đổi.

ONS cho rằng còn quá sớm để đánh giá mức độ ảnh hưởng của giai đoạn chuyển tiếp Brexit đến sự gián đoạn thương mại trong ngắn hạn hay những điều chỉnh về chuỗi cung ứng trong dài hạn.

Nhờ doanh số bán ô tô cải thiện, cả xuất khẩu và nhập khẩu của Anh từ EU đã tăng trong tháng Ba vừa qua. ONS lưu ý trong quý I/2021, nhập khẩu hàng hóa của Anh từ EU, không tính kim loại quý, đạt 14,5 tỷ euro (17,68 tỷ USD), thấp hơn 12,3% so với quý IV/2020. Đây là quý đầu tiên kể từ tháng 1/1997, khi nhập khẩu hàng hóa của Anh từ các nước ngoài EU cao hơn từ các nước EU.

Tổng xuất khẩu hàng hóa của Anh trong quý I/2021, không tính kim loại quý, đạt 7 tỷ euro, thấp hơn 8,7% so với quý IV/2020. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Anh trong EU, nhưng kể từ tháng 4/2019 nhập khẩu từ quốc gia này đã giảm sút.

Kể từ quý II/2020, Anh đã nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn từ Đức. Nhưng xu hướng này có thể chỉ mang tính tạm thời vì giai đoạn này Anh gia tăng mua khẩu trang và thiết bị bảo vệ cá nhân của Trung Quốc.

Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Anh tăng 66% kể từ đầu năm 2018 lên 16,9 tỷ euro trong quý I/2021, trong khi nhập khẩu từ Đức giảm theo quý xuống còn 12,5 tỷ euro so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhìn chung, EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Anh.

Xuất khẩu của Anh sang Đức, Pháp và Hà Lan đều giảm, trong khi Ireland chịu mức giảm mạnh nhất. Tuy nhiên, cho đến nay, Brussels vẫn từ chối cải thiện vấn đề Bắc Ireland vốn bị chỉ trích rất nhiều trong thỏa thuận Brexit.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng sự khởi đầu cho việc thực hiện nghị định thư về Bắc Ireland là điều không dễ dàng. Một số cuộc kiểm tra hàng hóa ở các cảng biển của Bắc Ireland và Ireland theo các điều khoản của Nghị định thư Brexit đã làm dấy lên nhiều sự phản đối.

Một số người cho rằng Bắc Ireland đang bị tách khỏi phần còn lại của nước Anh. Xuất khẩu lương thực và động vật sống sang Ireland phải đối mặt với các quy định kiểm soát mới, khiến lượng giao hàng giảm 2/3.

Naomi Smith, giám đốc điều hành nhóm vận động mang tên Điều tốt đẹp nhất cho nước Anh, gần đây đã cảnh báo rằng các doanh nghiệp đang chịu thiệt hại và phải đối mặt với chi phí cao hơn do Brexit.

Để giảm thiểu thiệt hại thương mại tiềm tàng và trên thực tế, Chính phủ Anh đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác thương mại với các đối tác khác.

Trả lời phỏng vấn tờ The Telegraph, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss cho biết Anh đang tiến tới một thỏa thuận đầu tư và thương mại với 6 nước thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất.

Bà Liz Truss cũng đang hối thúc các bộ trưởng thương mại Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cải cách các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Anh cũng đang tiếp tục thảo luận về các hiệp định thương mại với Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Tuy nhiên, cho đến nay London hầu như không đạt được tiến bộ nào với Mỹ - một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Anh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục