Sau giãn cách xã hội, thuốc lá nhập lậu có chiều hướng tăng trở lại

16:46' - 19/10/2020
BNEWS Sau thời gian giãn cách xã hội về phòng chống dịch, việc vận chuyển mặt hàng thuốc lá nhập lậu có chiều hướng tăng trở lại do khan hiếm hàng ngoại, giá cả một số mặt hàng có sự chênh lệch cao.

Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu trên địa bàn tỉnh An Giang” do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang phối hợp với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tổ chức tại thành phố Châu Đốc ngày 19/10, ông Nguyễn Tấn Phước, Phó Giám đốc Công An tỉnh An Giang - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang đã chỉ đạo các đơn vị kiên quyết xử lý các điểm bán lẻ thuốc lá điếu nhập lậu trong thời gian tới.

Thông tin tại hội thảo cho thấy, trong thời gian qua, do ảnh hưởng từ việc phòng, chống dịch COVID-19, các đối tượng buôn lậu thuốc lá điếu luôn tìm mọi thủ đoạn tinh vi nhằm che mắt lực lượng chức năng để vận chuyển mặt hàng này qua biên giới vào nội địa, thách thức pháp luật.

Tại thị trường nội địa, mặc dù thuốc lá nhập lậu không bày bán công khai, ngang nhiên như trước đây, song vì lợi nhuận, không ít điểm kinh doanh nhỏ lẻ, cửa hàng tạp hóa, quán bar, karaoke… vẫn lén lút bán, thậm chí bán khá phổ biến.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho hoạt động buôn lậu thuốc lá tiếp tục diễn biến phức tạp.

Chỉ trong 9 tháng qua, các lực lượng chức năng An Giang đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 1.035 vụ mua bán vận chuyển tàng trữ thuốc lá lậu với số lượng thu giữ hơn 820.000 gói thuốc lá lậu, xử lý hành chính 217 vụ, xử phạt số tiền 8,988 tỷ đồng, khởi tố 22 vụ.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường thuốc lá lậu vào thời điểm cuối năm, đồng thời theo tinh thần của Nghị định 98, Đại tá Nguyễn Tấn Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang  yêu cầu các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh quyết liệt kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu, đặc biệt là các cửa hàng bán lẻ thuốc lá điếu.

“Với những điểm mới của Nghị định 98, không quy định hình thức phạt cảnh cáo mà phạt tiền tới 3 triệu đồng đối với hành vi buôn bán từ 1 bao thuốc lá nhập lậu được kỳ vọng sẽ là công cụ xử lý hữu hiệu các hành vi bày bán, tàng trữ thuốc lá lậu trên thị trường nội địa. Đại tá Nguyễn Tấn Phước, Phó Giám đốc Công An tỉnh An Giang khẳng định, nhấn mạnh.

Theo Đại tá Phước, các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là cư dân sống ở khu vực biên giới, nên giải pháp căn cơ và lâu dài là tạo việc làm, với thu nhập ổn định cho người dân khu vực biên giới từ đó họ không tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu.

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp, đoàn thể và các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống buôn lậu nói chung và chống buôn lậu thuốc lá nói riêng, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, cấp bách, lâu dài, phải kiên trì thực hiện.

Tại hội thảo, đại diện Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và đại diện các sở, ngành trên địa bàn tỉnh An Giang đã mạnh dạn chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc này, đồng thời qua đây đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo và các kiến nghị, đề xuất nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu và buôn lậu thuốc lá trong thời gian tới.

Đại tá Trần Duy Thụ, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm – Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, cho rằng, An Giang có đường biên giới dài gần 100km, có nhiều đường mòn, lối mở thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Một số địa bàn được xem là điểm nóng như: xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), xã Khánh An, Khánh Bình, thị trấn Long Bình (huyện An Phú), thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên).

Đặc biệt là địa bàn phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc có thời điểm lợi dụng đêm tối đối tượng buôn lậu đi thành từng đoàn từ 80-100 người ngang nhiên đai vác hàng lậu và có hành vi ngăn cản, liều lĩnh dùng hung khí đe dọa, thậm chí tấn công lực lượng làm nhiệm vụ chống buôn lậu.

Theo Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm – Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu vẫn không thay đổi, đó là cấu kết, móc nối với nhau hình thành đường dây, tổ chức ngoài biên giới, trong khu vực biên giới và nội địa; tổ chức các đường dây vận chuyển chuyên nghiệp, khép kín, hàng hóa tập kết sát biên giới cả đường bộ và đường sông, khi có thời cơ dùng thuyền máy công suất lớn, xe máy và thuê người đai vác qua biên giới theo các đường mòn, kênh rạch vào mọi thời điểm.

Thậm chí chúng thuê đất ruộng của người dân để làm đường vận chuyển với số lượng lớn gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu.

Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu cử người canh đường, theo dõi hoạt động của lực lượng chống buôn lậu ngay tại khu vực đồn, tổ, chốt…. Khi bị phát hiện các đối tượng thường bỏ lại tang vật, lợi dụng đêm tối bỏ trốn…

Chỉ tính riêng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang từ đầu năm đến nay, đã độc lập bắt 244 vụ/31 đối tượng, trị giá hàng hóa gần 7 tỷ đồng.

Riêng mặt hàng thuốc lá lậu vô chủ 90 vụ, tang vật thu giữ 113.550 gói thuốc lá ngoại các loại, trị giá 1,5 tỷ đồng.

Đại tá Trần Duy Thụ nhận định, sau thời gian giãn cách xã hội về phòng chống dịch, việc vận chuyển mặt hàng thuốc lá nhập lậu có chiều hướng tăng trở lại do khan hiếm hàng ngoại, giá cả một số mặt hàng có sự chênh lệch cao giữa hàng trong nước và ngoài nước, lợi nhuận đem lại lớn, nhu cầu sử dụng của người dân đối với thuốc lá còn khá cao.

Trong khi đó, bên trong nội địa còn tồn tại nhiều nơi bán thuốc lá lậu lén lút là những nguyên nhân chủ yếu làm cho tình trạng buôn lậu, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến phức tạp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục