Chống buôn lậu, gian lận thương mại khu vực vùng biên

07:50' - 05/10/2020
BNEWS Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tại Kiên Giang, nhất là ở vùng biên giáp với Campuchia cả trên biển và biên giới đất liền được dự báo diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm.

Những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tỉnh Kiên Giang tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn, nhất là chú trọng khu vực vùng biên giáp với Campuchia cả trên biển và biên giới đất liền. 

Ông Ngô Công Tước, Giám đốc Sở Công Thương - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: Những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, các hoạt động kinh tế, dịch vụ, vui chơi, giải trí dần hoạt động trở lại khi tình hình dịch COVID-19 đang được kiểm soát, trở lại trạng thái bình thường mới, nhu cầu hàng hóa lớn, sức mua sắm của người dân tăng lên, nhất là vào dịp lễ, tết nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại được dự báo sẽ diễn biến phức tạp.

Tiếp đến, điều kiện địa hình tự nhiên của tỉnh có nhiều kênh rạch, khu vực biển liền kề giáp biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, thuận lợi cho các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu qua biên giới tuồn vào nội địa bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Mặt khác, ở đảo Phú Quốc, các đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng, thuận lợi về thủ tục quản lý xuất nhập cảnh có thể trà trộn hàng hóa, hàng cấm chung với hành lý… là điều kiện làm gia tăng khả năng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn huyện Phú Quốc nói riêng và toàn tỉnh Kiên Giang nói chung.

Theo đó, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 Kiên Giang, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh về đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp trong thực hiện công tác này.

Các ngành, đơn vị hữu quan của tỉnh tập trung quản lý, kiểm soát chặt chẽ, xử lý tình hình phức tạp về an ninh trật tự và chống buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.

Thành phố Hà Tiên và huyện biên giới Giang Thành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các kho chứa hàng hóa xây dựng không đúng quy định, xây dựng trái phép, không đúng quy hoạch, xử lý các phương tiện tham gia vận chuyển hàng hóa không đăng ký, kiểm định, không giấy tờ hợp lệ…

Cùng với duy trì chốt, trạm phòng chống buôn lậu tại các đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới kết hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19, các ngành, đơn vị chức năng của tỉnh cùng với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang, trong tháng 9/2020, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên biển còn diễn biến phức tạp, nhất là buôn lậu xăng, dầu, gỗ, đường, thuốc lá.

Trên tuyến biên giới đất liền, kết hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, các lực lượng chức năng phối hợp cắm chốt, trạm, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ nên tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giảm, đối tượng chủ yếu vận chuyển trái phép thuốc lá điếu ngoại.

Đặc biệt, theo Bộ đội biên phòng Kiên Giang nổi lên tình hình hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tập trung trên địa bàn bắc đảo Phú Quốc, huyện Phú Quốc.

Trong tháng 9, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang xác lập và đấu tranh thành công, bắt một đối tượng với số lượng ma túy khá lớn, hoàn chỉnh các thủ tục khởi tố vụ án hình sự và bàn giao cho công an tiếp tục điều tra.

Theo đó trong tháng 9/2020, các lực lượng chức năng đã phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phát hiện 127 vụ việc vi phạm, trong đó 31 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, 94 vụ gian lận thương mại, 2 vụ hàng giả, với tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 15,5 tỷ đồng.

Các ngành chức năng xử lý vi phạm hành chính 147 vụ, thu nộp ngân sách hơn 20 tỷ đồng; khởi tố 3 vụ 4 đối tượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục