Sau hơn 3 năm “ngủ đông”, công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành sôi động trở lại

11:59' - 20/11/2023
BNEWS Cao tốc Bến Lức - Long Thành bao gồm 11 gói thầu chính. Hiện nay, 4 gói thầu đã cơ bản hoàn thành, 3 gói thầu đang xây dựng. Còn 4 gói thầu đã chấm dứt hợp đồng đang tổ chức đấu thầu lại.
Sau khi Chính phủ gỡ vướng, nhiều gói thầu của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã khởi động trở lại sau hơn 3 năm tạm dừng thi công. Dự án dài 57,8 km bao gồm 11 gói thầu chính. Hiện nay, 4 gói thầu đã cơ bản hoàn thành, 3 gói thầu đang xây dựng. Còn 4 gói thầu đã chấm dứt hợp đồng đang tổ chức đấu thầu lại.

Với 4 gói thầu đã chấm dứt hợp đồng; trong đó có gói thầu A1-1, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa phê duyệt xong kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu A1-1 thi công phần còn lại của gói thầu A1 thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Liên danh Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Liên danh 319 - Vinaconex) đã trúng thầu. Giá trúng thầu là hơn 447 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 10 tháng.

 
Theo lãnh đạo VEC, việc lựa chọn được nhà thầu thi công phần còn lại của gói thầu A1 là tín hiệu đáng mừng vì công trình dở dang, bị dừng triển khai từ năm 2019 đến nay gây lãng phí nguồn lực. Gói thầu A1 vốn sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) song do vướng mắc về thủ tục nên nhà tài trợ đã ngừng cung cấp vốn vay.

Do đó để giải quyết khó khăn này, VEC tự thu xếp tài chính để triển khai phần còn lại của gói thầu A1-1, sau khi khi hơp đồng, VEC sẽ ưu cầu nhà thầu triển khai ngay thiết bị, máy móc trên công trường, qua đó sớm hoàn thành công trình.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau hơn 3 năm “ngủ đông” do khó khăn về bố trí nguồn vốn, đến thời điểm này, không khí thi công rầm rộ đã trở lại tại dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đặc biệt là các gói thầu xây lắp thuộc đoạn tuyến phía Đông. Đây là đoạn tuyến sử dụng vốn vay từ ADB được khởi động lại ngay sau khi Quốc hội tái bố trí vốn ODA cho dự án (tháng 6/2023).

Đối với đoạn phía Tây, ngoài việc vừa đấu thầu thành công gói thầu A1, hiện VEC đang tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu A2-2 và A4, dự kiến triển khai thi công ngay sau khi lựa chọn được nhà thầu.

Đối với đoạn vay vốn từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), gói thầu J2 đã hoàn thành, gói thầu J1 đã tái khởi động, gói thầu J3 đang xin ý kiến JICA về hồ sơ mời thầu và dự kiến triển khai thi công trong quý I/2024.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, dự án này còn 2 vướng mắc liên quan đến thủ tục gia hạn hiệp định đối với các gói thầu sử dụng vốn vay JICA để hoàn thành khối lượng còn lại của gói thầu J1, J3 và xử lý các chi phí phát sinh do dừng chờ theo khiếu kiện của nhà thầu.

Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (với vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước của VEC) chỉ đạo VEC giải quyết các thủ tục liên quan đến việc xử lý khiếu kiện theo thẩm quyền của chủ đầu tư.

“Dự án sử dụng vốn vay nước ngoài, có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài và việc giải quyết khiếu nại phải tuân thủ quy định của hợp đồng, điều ước, thỏa thuận quốc tế. Do vậy, cần sự tham gia hỗ trợ của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tháo gỡ”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin. 

Tại buổi tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Long An mới đây, cử tri huyện Bến Lức kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành có giải pháp để sớm hoàn thiện cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành khi hoàn thành sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; rút ngắn hành trình, thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ Long An đến Tp. Hồ Chí Minh.

Có chiều dài 57,8 km, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua các tỉnh Long An 2,7 km, Tp. Hồ Chí Minh 26,4km và Đồng Nai 28,7 km. Dự án được khởi công vào tháng 7/2014 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2019, do gặp nhiều vướng mắc, nhất là về vốn nên dự án nhiều lần lùi thời hạn hoàn thành, tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho gia hạn thời gian thực hiện dự án đến tháng 9/2025.

Dự án này có tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn gồm: vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 13.654,6 tỷ đồng, vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 11.975,7 tỷ đồng và vốn đối ứng trong nước là 5.689,7 tỷ đồng. Dự án có 11 gói thầu xây lắp gồm: đoạn 1 phía Tây (gói thầu A1, A2, A3, A4) sử dụng vốn vay ADB, đoạn 2 (gói thầu J1, J2, J3) sử dụng vốn vay JICA; đoạn 3 phía Đông (gói thầu A5, A6, A7) sử dụng vốn vay ADB.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục