Sầu riêng ngày càng đắt hàng ở Trung Quốc

05:30' - 20/06/2024
BNEWS Theo bài viết mới đây trên tờ The Straits Times, nhu cầu về sầu riêng tại Trung Quốc đang gia tăng và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Eric Chan, một chủ trang trại ở Malaysia, lâu nay vẫn bán sầu riêng cho thị trường Đông Nam Á. Hiện ông đang để mắt đến một cơ hội lớn hơn. Giống sầu riêng Musang King mà ông trồng ở Malaysia được người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích. 

Tổng cộng, những người sành ăn Trung Quốc đã tiêu thụ sầu riêng tươi nhập khẩu với giá trị lên tới 6,7 tỷ USD vào năm 2023, tăng so với 4 tỷ USD vào năm 2022 và 1,6 tỷ USD vào năm 2019, năm sầu riêng vượt qua anh đào để trở thành mặt hàng trái cây tươi nhập khẩu lớn nhất vào Trung Quốc tính theo giá trị.

Ngoài tình yêu với trái cây, có hai sự thay đổi giúp giải thích nhu cầu về sầu riêng của Trung Quốc ngày càng tăng. Đầu tiên là sự phát triển của tầng lớp trung lưu trong nước. Ngày càng nhiều người Trung Quốc có đủ khả năng mua sầu riêng, loại quả có giá không hề rẻ. Một quả sầu riêng cỡ trung bình từ Thái Lan, nhà cung cấp phần lớn cho kho hàng của Trung Quốc, có thể bán với giá khoảng 150 nhân dân tệ (20,67 USD). Giống sầu riêng Musang King có thể có giá lên tới 500 nhân dân tệ mỗi quả (một quả sầu riêng thường đủ lớn để có thể chia cho ít nhất hai người).

Giá cao khiến một số người mua bỏ cuộc. Tuy nhiên, đối với những người khác, giá cao làm tăng thêm giá trị của sầu riêng. Ông Chan cho biết sầu riêng đã trở thành một biểu tượng địa vị, giống như một loại “rượu ngon”. Những người hâm mộ giống sầu riêng Musang King gọi nó là “Hermes sầu riêng”. Loại quả này đôi khi được tặng làm quà trong dịp sinh nhật hoặc đám cưới.

Thay đổi thứ hai là trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở cửa thị trường. Trước năm 2022, Trung Quốc chỉ cho nhập sầu riêng tươi từ Thái Lan (mặc dù họ mua sầu riêng đông lạnh từ các nước khác). Sau thời điểm đó, những người bán sầu riêng tươi từ Philippines đã tiếp cận thị trường này, đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật của Trung Quốc (ngăn chặn sự lây lan của sâu bệnh). Hiện tại Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Malaysia, nơi nhiều người muốn ăn sầu riêng tươi. Malaysia đang hy vọng sẽ là nước tiếp theo được Trung Quốc mở của thị trường sầu riêng tươi.

Ngay tại thị trường trong nước, người nông dân Trung Quốc đang tìm cách tăng sản lượng sầu riêng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Truyền thông nhà nước cho biết những cây sầu riêng đầu tiên ở Trung Quốc được trồng vào năm 1958. Chúng sinh ra ít trái. Nông dân ở Hải Nam đang thử lại lần nữa. Tỉnh đảo này là một trong số ít nơi ở Trung Quốc có khí hậu phù hợp để trồng sầu riêng. 

Theo báo cáo, sản lượng sầu riêng của nông dân đang tăng lên, có thể lên tới 200 tấn vào năm 2024. Nhưng khả năng tự cung tự cấp mặt hàng của Trung Quốc vẫn còn một chặng đường không ngắn. Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục