Sau vụ sập cầu Ghềnh: Nâng cấp các ga để giao nhận hàng hóa nhanh

11:42' - 29/03/2016
BNEWS Sau sự cố sập cầu Ghềnh, Bộ GTVT đã có chỉ đạo về việc tu sửa, nâng cấp mặt bằng các ga nhằm tạo điều kiện cho khách giao, nhận hàng thuận lợi.
Sau vụ sập cầu Ghềnh, hiện lưu lượng hàng hóa đang đổ dồn về các ga Trảng Bom, Hố Nai và ga Biên Hòa nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh minh họa: TTXVN

Sau vụ sập cầu Ghềnh, hiện lưu lượng hàng hóa đang đổ dồn về các ga Trảng Bom, Hố Nai và ga Biên Hòa nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trước tình hình trên, Bộ Giao thông vận tải đã có chỉ đạo về việc tu sửa, nâng cấp mặt bằng các ga.

Theo kế hoạch, việc mở rộng ga Hố Nai và các ga khác tại Đồng Nai sẽ diễn ra trong khoảng 20 ngày, nhằm tạo điều kiện cho khách giao, nhận hàng thuận lợi.

Việc nâng cấp mở rộng ga Hố Nai đã được Chi nhánh vận chuyển đường sắt Bình Thuận – đơn vị quản lý đường sắt từ Bình Thuận đến Đồng Nai, đang khẩn trương thi công.

Theo ông Trần Văn Hạnh - Trưởng ga Hố Nai, hiện ga Biên Hòa có 3 đường dừng tàu. Trong đó có 1 đường cho tàu xếp dỡ hàng hóa. Sau khi mở rộng, nhà ga sẽ có thêm một đường dừng tàu, năng lực bốc xếp sẽ được nâng lên gấp đôi.

Trên thực tế, ga Biên Hòa chỉ đáp ứng nhu cầu xếp dỡ hàng hóa của 2 đôi tàu với khoảng 1.400 tấn hàng hóa ngày; trong khi đó nhu cầu xếp dỡ hàng hóa lên tới 7 đôi tàu với khoảng 5.000 tấn hàng hóa mỗi ngày.

Vì vậy, ga Hố Nai dù mở rộng cũng chỉ đảm nhận việc bốc xếp hàng rời, còn hàng container sẽ được giải tỏa tại các ga Trảng Bom, Long Khánh.

Do cơ sở vật chất ga Hố Nai nhiều hạn chế từ đường nội bộ lẫn bãi chờ nên trong 1 tuần qua, hàng trăm xe tải đã phải xếp hàng rồng rắn để chờ bốc dỡ hàng hóa lên xuống tàu. Thời gian chạy tàu vì thế cũng phải kéo giãn ra từ 30 phút đến 1 giờ khiến các doanh nghiệp giao hàng gặp nhiều khó khăn và thiệt hại. 

Bên cạnh đó, từ khi xảy ra sự cố sập cầu thì ga Hố Nai thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa đường sắt với đường bộ, khiến đường Điều Xiển trở nên quá tải nặng nề. Mỗi ngày có hàng trăm phương tiện lưu thông qua đây, con đường vốn đã xuống cấp nay thêm hư hỏng vì phải “gánh” một lượng lớn xe từ khắp nơi đổ về. 

Việc đi lại của người dân khu vực này cũng hết sức khó khăn khi phải “chia sẻ” bớt phần đường cho các phương tiện trung chuyển hàng. Ngoài ra, do lưu lượng xe có tải trọng lớn và chạy liên tục nên nguy cơ mất an toàn giao thông luôn “rình rập”. 

Theo phản ánh của các hộ dân nơi đây, hiện tại mặt đường nhiều chỗ không còn đủ cho xe 2 bánh lưu thông, người đi xe máy luồn lách đủ kiểu mới có thể thoát ra được vòng vây xe tải. Nhiều người thậm chí phải chạy len lỏi giữa các đoàn xe tải, xe container nên tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Tương tự, tuyến đường từ Quốc lộ 1 rẽ vào ga Trảng Bom (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) cũng đã trở nên quá tải khi tiếp nhận hàng chục xe tải chở hàng mỗi ngày. Thực tế, đây chỉ là con đường ấp, bề mặt khá nhỏ nên khi xe cộ lưu thông qua đây đông phải xếp hàng và nguy cơ mất an toàn giao thông có thể tăng lên.

Trước tình hình trên, Đại tá Dương Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết: Việc bốc xếp hàng hóa ở ga lên xe cũng như di chuyển không được gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông. Trong trường hợp các phương tiện xảy ra vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ nhắc nhở chứ không xử phạt.

Riêng tại các địa điểm có thể xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông, công an tỉnh sẽ tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông để kịp thời phân luồng và điều tiết phương tiện lưu thông trách ùn tắc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục