Saudi Arabia sẽ dẫn đầu thế giới về mức tăng sản lượng dầu khí

07:20' - 09/08/2021
BNEWS Saudi Arabia sẽ dẫn đầu mức tăng sản lượng dầu mỏ và khí đốt toàn cầu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong báo cáo triển vọng đầu tư của ngành dầu khí toàn cầu vừa công bố, hãng xếp hạng quốc tế Fitch Ratings nhận định Saudi Arabia sẽ dẫn đầu mức tăng sản lượng dầu mỏ và khí đốt toàn cầu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Báo cáo của Fitch cho hay Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng dầu thô, khí ngưng tụ và khí đốt tự nhiên thêm 2,24 triệu thùng/ngày từ năm 2021 đến năm 2030.

Tiếp đến là Iran với mức tăng 2,17 triệu thùng/ngày, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) 1,61 triệu thùng/ngày, Libya với 1,04 triệu thùng/ngày và Kuwait 966,000 thùng/ngày.

Iraq dự kiến sẽ đạt mức tăng 691.000 thùng/ngày, trong khi Qatar tăng 127.000 thùng/ngày. Cả Bahrain và Oman sẽ đều chứng kiến sản lượng sụt giảm.

Phân tích của Fitch cho rằng phần lớn mức tăng sản lượng của Libya, Iran và Iraq là nhờ sự phục hồi của lượng dầu tạm thời bị "đóng băng hoặc bị cắt giảm" do bất ổn an ninh-chính trị trong nước (đối với Libya) hay các lệnh trừng phạt quốc tế (Iran), hoặc do thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (đối với Iraq).

Báo cáo của Fitch nêu rõ: "Saudi Arabia, UAE và Kuwait là các nhà sản xuất duy nhất ghi nhận mức tăng sản lượng đáng kể".

Theo Fitch, sự sụp đổ của thị trường dầu mỏ thế giới trong năm ngoái đã khiến đầu tư của ngành dầu khí toàn cầu giảm 25,9% xuống còn 423 tỷ USD.

Chi tiêu vốn của ngành này sẽ không trở lại mức của năm 2019 cho đến năm 2025.

Tổng vốn đầu tư vào ngành dầu khí toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 12,8% lên 477 tỷ USD, trước khi đạt con số 505 tỷ USD vào năm 2022.

Nhà phân tích dầu khí cấp cao Emma Richards của Fitch nhận xét các tập đoàn dầu mỏ quốc gia ở Trung Đông có thể sẽ khai thác rất tốt các điều kiện thị trường hiện nay.

Với lợi thế về cơ sở tài nguyên, các doanh nghiệp này có thể cạnh tranh dựa trên cả chi phí và cường độ carbon (cường độ phát thải) và họ không chịu áp lực pháp lý giống như các công ty ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Báo cáo của Fitch cũng đề cập đến quá trình chuyển đổi năng lượng, với trọng tâm là ngành công nghiệp sản xuất hydro mới nổi.

Trong khi đầu tư vào mảng carbon thấp của các công ty dầu mỏ quốc gia ở Trung Đông có thể chỉ chiếm một phần không đáng kể trong chi phí vốn trong những năm tới, Saudi Arabia và UAE có cơ hội giành được lợi thế đi đầu trên các thị trường amoniac và hydro sạch.

Saudi Arabia hiện xếp thứ 8 và UAE đứng thứ 7 về chỉ số hydro xanh của Fitch. Chỉ số này đánh giá mức độ phù hợp của một thị trường nhất định đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hydro xanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục