Say nắng, say nóng mùa hè: Nguyên nhân và cách xử trí thế nào?

07:36' - 22/06/2022
BNEWS Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều người rơi vào trạng thái say nắng, say nóng. Bên cạnh biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt... Say nắng, say nóng còn có thể gây đột quỵ nếu không xử trí kịp thời.

Say nắng, say nóng là gì?

Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức (hầm lò, trong phòng kín...), hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ (chơi các môn thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài)... sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. 

 

Đặc điểm chung là cả say nóng và say nắng là đều dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn, hiện tượng này nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong. 

Nhận biết tình trạng say nắng, say nóng

Các biểu hiện của say nắng, say nóng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian. Có thể từ những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút... và cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.

Cách đề phòng say nắng, say nóng

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

- Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Cách xử trí khi gặp người bị say nắng, say nóng

Khi gặp người bị say nắng, say nóng, trước tiên cần nhanh chóng gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp 115 hoặc y tế địa phương.

Trong thời gian chờ xe cấp cứu, di chuyển người bị say nắng đến nơi râm mát, cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết và thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể.

Làm mát cơ thể bằng bất cứ cách nào như: xịt mát cơ thể bằng nước, dùng quạt phun sương; đặt túi nước đá hoặc khăn mát lên vùng cổ, nách và bẹn; cho người say nắng uống nước mát để bù nước (nếu có thể)…

Đánh giá mức độ tỉnh táo người say nắng (lay gọi, tiếp xúc…). Nếu nạn nhân tỉnh táo thì cho nạn nhân uống bổ sung nước, chất điện giải… Nếu nạn nhân chưa tỉnh táo tiếp tục làm mát cơ thể trong khi chờ xe cấp cứu. Nếu nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu tuần hoàn (thở, ho hoặc cử động) thì thực hiện hô hấp nhân tạo./. 

>>>Các biện pháp phòng, chống nắng nóng hiệu quả

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục