Sẽ diễn ra cạnh tranh mở thêm cửa hàng tiện ích

08:57' - 20/03/2019
BNEWS Mô hình cửa hàng tiện ích được đánh giá là một xu hướng văn minh thương mại, ngày càng chiếm ưu thế so với kênh bán lẻ truyền thống như chợ, siêu thị tại Việt Nam.
Hệ thống các cửa hàng tiện lợi đang phát triển mạnh ở các thành phố lớn. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/BNEWS/TTXVN

Nếu như chợ truyền thống hay cửa hàng tạp hóa chỉ mở cửa trong khoảng thời gian nhất định, thì các cửa hàng tiện ích phục vụ 24/24h, cả 7 ngày trong tuần, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng bất kể thời gian.

Bên cạnh đó, các sản phẩm được bày bán tại cửa hàng tiện ích có nguồn gốc, xuất xứ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... được người tiêu dùng rất quan tâm.

Nắm bắt nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng đang dần thay đổi theo hướng quan tâm đến chất lượng, rõ nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là thuận tiện, các cửa hàng tiện ích đã phát triển nhanh, len lỏi vào từng ngõ ngách, khu dân cư.

Với thế mạnh này, mô hình cửa hàng tiện ích được đánh giá là một xu hướng văn minh thương mại, ngày càng chiếm ưu thế so với kênh bán lẻ truyền thống như chợ, siêu thị tại Việt Nam.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, việc xin giấy phép cho cửa hàng có diện tích 500m2 đơn giản hơn rất nhiều so với việc mở siêu thị hay đại siêu thị, chưa kể điều này còn góp phần gia tăng độ phủ của thương hiệu.

Đó là lý do nhiều thương hiệu bán lẻ nổi tiếng như Circle K (Mỹ) có mặt tại thị trường Việt Nam khá sớm, từ tháng 8-2008, hay Shop & Go (Singapore) có mặt từ năm 2005, và liên tục mở rộng hệ thống, hình thành nên những chuỗi cửa hàng lớn. Hiện, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, Circle K có hơn 300 cửa hàng, Shop & Go có hơn 160 cửa hàng.

Nhận định về sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cửa hàng tiện ích, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, loại hình kinh doanh này dù chỉ chiếm diện tích khá khiêm tốn nhưng người mua có thể chọn lựa nhiều mặt hàng.

Yêu cầu đối với các cửa hàng tiện ích là đưa được tất cả những gì người tiêu dùng cần cho cuộc sống hằng ngày vào trong một mặt bằng nhỏ, từ đồ ăn, thức uống đến cây kim, sợi chỉ; từ bàn chải, kem đánh răng đến văn phòng phẩm, thẻ nhớ điện thoại...

Thậm chí, khách hàng còn có thể thanh toán một số loại hóa đơn điện, nước, điện thoại; đặt vé, rút tiền... Bên cạnh đó, hầu hết các cửa hàng tiện ích còn cung cấp cả thức ăn nhanh và thực phẩm tươi sống.

Nhằm thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, đổi mới phương thức kinh doanh, theo hướng văn minh hiện đại, ngày 24/5/2018, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND về phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn thành phố đến năm 2025.

Theo đó, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phát triển 52 trung tâm mua sắm (có 9 trung tâm mua sắm cấp vùng, 10 trung tâm mua sắm hạng 1, 10 khu thương mại, dịch vụ tổng hợp; 23 đại siêu thị).

Ngoài ra có 111 siêu thị hạng 2; 865 siêu thị hạng 3; 595 chợ; 1.000 cửa hàng tiện lợi; 1.000 máy bán hàng tự động đặt tại các địa điểm công cộng.

Những thuận lợi của cửa hàng tiện ích hay siêu thị mini đã và đang góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Những thuận lợi của cửa hàng tiện ích hay siêu thị mini đã và đang góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, nhất là khi vấn nạn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra tràn lan trên thị trường.

Theo chị Trần Minh Hồng, ở phố Láng Hạ, quận Đống Đa Hà Nội, trước đây, cứ mỗi dịp cuối tuần, chị lại đến siêu thị VinMart hoặc Big C cách nhà 6-7km để mua sắm những mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt của gia đình trong một tuần.

Nhưng từ khi có các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini gần nhà thì không còn phải tích trữ thực phẩm như trước. Thay vào đó, cứ hết giờ làm việc, chị chỉ cần rẽ vào cửa hàng tiện ích ngay gần nhà là đã mua được đồ tươi ngon về chế biến bữa tối.

Theo chị Minh Hồng, mua sắm ở cửa hàng tiện ích rất thuận tiện, các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được bảo quản trong tủ mát nên rất yên tâm.

Đặc biệt, các cửa hàng tiện ích đều dành vị trí để xe máy rộng rãi, vừa tiện lợi cho người tiêu dùng, bảo đảm trật tự đô thị, vừa khắc phục được nhược điểm của các chợ - trung tâm thương mại là phải gửi xe khá bất tiện. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, bảo vệ tại cửa hàng VinMart trên đường Thái Hà (quận Đống Đa) cho biết: Khách đến gửi xe và vào mua hàng rất nhanh chóng, thuận tiện. Nếu mua nhiều hàng còn được nhân viên chúng tôi mang giúp ra xe.

Cửa hàng tiện ích được người tiêu dùng đón nhận nên không chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng thị trường, mà nhiều doanh nghiệp trong nước cũng liên tục vươn lên mở rộng chuỗi cửa hàng tiện ích.

Điển hình là chỉ trong tháng 12/2018, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Tổng hợp VinCommerce đã mở mới 238 cửa hàng VinMart tại 3 miền Bắc - Trung - Nam, nâng tổng số cửa hàng tiện ích trên khắp cả nước lên tới 1.700 điểm.

Hàng nghìn sản phẩm bảo đảm nguồn gốc, chất lượng được kiểm soát nghiêm ngặt bởi hơn 33 phòng/trạm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm tiêu chuẩn quốc tế, đã giúp khách an tâm mua sắm mỗi ngày.

Theo đánh giá của Công ty TNHH CBRE Việt Nam – đơn vị quản lý và tư vấn về bất động sản, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ diễn ra cạnh tranh giữa các nhà đầu tư hệ thống cửa hàng tiện ích trong nước và quốc tế, trong việc chiếm thị phần thông qua mở thêm cửa hàng tiện ích.

Điển hình, VinMart đang có kế hoạch mở thêm 3.000 cửa hàng khắp Việt Nam trong những năm tới. GS25 - chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc đã vào thị trường Việt Nam và đang dự kiến mở hơn 2.500 cửa hàng. Đây là tín hiệu cho thấy "sức nóng" của thị trường này trong năm 2019 và những năm tiếp theo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục