Sẽ phải có sự điều chỉnh phù hợp

18:02' - 16/07/2021
BNEWS Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng đã trao đổi với phóng viên TTXVN về hiệu quả của việc thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đánh giá, những điều chỉnh tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sau gần 2 tháng triển khai về cơ bản là phù hợp.

Còn trong quá trình thực hiện theo diễn biến của dịch, chính sách cũng cần sự tiếp nối để theo kịp và sẽ phải có sự điều chỉnh liều lượng phù hợp hơn, tính toán xa hơn.

Phóng viên: Sau gần 2 tháng triển khai Thông tư 03, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của Thông tư này?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Dù mới được ban hành và triển khai trong thời gian 2 tháng gần đây, song tôi cho rằng Thông tư 03 khá phù hợp với xu thế và bối cảnh khó khăn chung hiện nay của số đông doanh nghiệp nếu nhìn ở góc độ quản lý.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã xác định, thời điểm này và cả trong tương lai gần nợ xấu sẽ tăng cao, các ngân hàng thương mại sẽ phải gánh chịu một khoản nợ xấu rất lớn. Thông tư 01/2020/TT-NHNN được ban hành trước đó được đánh giá là cởi mở theo hướng cơ cấu nợ, điều chỉnh lãi vay hoặc không trả lãi và không chuyển nhóm nợ khiến việc cho vay tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Do đó, Thông tư 03 được ban hành chặt chẽ hơn nhằm hạn chế việc lợi dụng dịch COVID-19 để các tổ chức tín dụng làm ẩu. Bản thân các tổ chức tín dụng phải ý thức việc triển khai chính sách hỗ trợ cần được thực hiện một cách chính xác. Vấn đề quan trọng là các ngân hàng thương mại cần phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro.

Có thể tạm thời, ngân hàng chưa cơ cấu nợ và chưa chuyển nhóm nợ song bắt buộc cần có trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Sẽ có những khoản nợ vừa phải trích lập dự phòng rủi ro lại vừa nằm trong nhóm được cho vay mới. Điều này sẽ gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện như tính thời điểm, đến nay thì văn bản này cũng trở nên lỗi thời khi mà dịch COVID-19 diễn biến phức tạp chưa biết bao giờ hết.

Do đó, tôi nghĩ rằng trước mắt các doanh nghiệp thực hiện theo Thông tư 03 hiện nay vì thời điểm cũng như thời hạn cho vay kéo dài 12 tháng đến hết năm. Chắc chắn trong thời gian tới những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư sẽ được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh sao cho phù hợp.

Vì theo diễn biến của dịch, chính sách cũng cần sự diễn biến tiếp nối để theo kịp được, chứ không phải cố định. Dịch COVID-19 đang kéo dài và gây hậu quả nghiêm trọng nên sẽ phải có sự điều chỉnh liều lượng phù hợp hơn và cần tính toán xa hơn.

Nhưng có một nghịch lý là nếu tính xa quá thì có khi lại dẫn tới rủi ro. Cho nên cái khó của ngân hàng là phải đảm bảo vừa giữ vững sự an toàn của hệ thống ngân hàng vừa phải đảm bảo hỗ trợ được và xử lý được những khó khăn của doanh nghiệp.

Nếu như không có giải pháp trích lập dự phòng rủi ro thì trong tương lai ngân hàng sẽ rất khó khăn nếu các khoản nợ xấu phát sinh trong khi lợi nhuận thì đã “ăn” hết. Điều này sẽ kéo theo gánh nặng rất lớn cho ngành ngân hàng.

Tôi nghĩ rằng, Thông tư 03 và trước đó là Thông 01 là hành lang pháp lý quan trọng để các ngân hàng triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là nỗ lực rất lớn của toàn ngành ngân hàng theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Các ngân hàng đã chủ động vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong bối cảnh chưa có sự hỗ trợ của ngân sách.

Phóng viên: Vậy theo ông, khó khăn vướng mắc lớn nhất của Thông tư 03 đến thời điểm hiện nay là gì?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Vướng mắc hiện nay là thời hạn trả nợ kéo dài và tất cả khoản nợ chỉ được kéo dài trong vòng 12 tháng. Điều này sẽ khó khăn cho những khoản nợ trung và dài hạn.

Nhưng khi dịch COVID-19 xảy ra thì bắt buộc cần có độ trễ, muốn  khắc phục được những bất cập của thông tư thì cũng cần phải có thời gian. Phía các ngân hàng cũng đều xác định, trong giai đoạn hiện nay, nếu cho vay mới thì đó phải xác định là cho vay trong điều kiện dịch COVID-19.

Theo tôi, các tổ chức tín dụng phải xác định việc cho vay mới trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 rất cần sự thận trọng. Nếu vẫn tiếp tục cho vay thì hậu quả kế tiếp sau đợt dịch lần thứ 4 này sẽ khó có thể hạn chế.

Do đó, các tổ chức tín dụng cần rút kinh nghiệm và rà soát, tính toán kỹ lưỡng khi cho vay trong bối cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt. Khi đợt dịch lần thứ 4 qua đi thì các tổ chức tín dụng cần rút ra bài học là khi cho vay mới cần lựa chọn lộ trình nào cho phù hợp để đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro tới mức thấp nhất.

Đó có thể chính là những vướng mắc và khó khăn không chỉ đối với doanh nghiệp mà kể cả các tổ chức tín dụng cũng đang gặp phải.

Phóng viên: Vừa qua, một số tổ chức tín dụng có kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước về khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư 03 như việc phân loại nhóm nợ, hay thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ... Ông đánh giá như thế nào về những vấn đề này?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Tất các tổ chức tín dụng đều mong muốn Ngân hàng Nhà nước sẽ giải quyết những khó khăn này..

Tuy nhiên cần giải thích và làm rõ lại rằng, tổ chức tín dụng muốn phân loại nợ như thế nào cũng được nhưng cứ hết 3 năm trích lập dự phòng rủi ro thì việc phân loại nợ và thời gian sẽ không quan trọng nữa.

Nếu như tổ chức tín dụng đã cơ cấu nợ, khoản nợ theo dịch COVID-19 thì trong thời hạn 3 năm phải trích dự phòng để đảm bảo an toàn hệ thống và tạo điều kiện cho khách hàng.

Phóng viên: Hiện nay do tình hình khó khăn, có không ít doanh nghiệp nhỏ cho biết khó tiếp cận vốn, do dịch nên tài sản đảm bảo bị định giá thấp hơn, doanh nghiệp cũng khó khăn thêm. Theo ông có giải pháp gì cho vấn đề này?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Đúng là có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đặt ra vấn đề không vay được, không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng vì lý do không có tài sản đảm bảo, phương án sản xuất kinh doanh chưa đủ độ tin tưởng, không có đầu vào chẳng có đầu ra….

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa là các doanh nghiệp khởi nghiệp nên rất cần tiếp cận vốn và rất có nhu cầu.

Nhưng đặt vấn đề này trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay thì theo tôi là không phù hợp lắm vì những doanh nghiệp này muốn khởi nghiệp thì cũng phải khởi nghiệp trong bối cảnh bình thường. Và cũng không nên đặt vấn đề cho vay với những doanh nghiệp khởi nghiệp vào lúc này; thậm chí các tổ chức tín dụng cũng không nên cho vay vào thời điểm này.

Còn những doanh nghiệp đã vay rồi, đã và đang gặp khó khăn thì sẽ tiếp tục cùng nhau tháo gỡ bằng cách cơ cấu lại nợ, điều chỉnh lại nợ và cho vay mới.

Nếu cho vay mới thì có 2 hình thức là cho vay có tài sản đảm bảo và vay không tài sản đảm bảo.

Đối với cho vay không có tài sản đảm bảo thì doanh nghiệp phải có phương án và ngân hàng phải kiểm soát được dòng tiền. Song nhiều doanh nghiệp lại không muốn bị kiểm soát dòng tiền.

Tôi khẳng định nếu như thế thì dù doanh nghiệp có kêu đến đâu cũng không thể cho vay được, bởi muốn vay thì doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện và không nên đưa lý do là doanh nghiệp nhỏ và vừa hay khởi nghiệp cần phải được hỗ trợ cho vay.  Muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp yếu thế cũng phải có nguyên tắc và kỷ luật.

Tuy nhiên, thực tế, ngân hàng và doanh nghiệp là cộng sinh. Nếu doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng khó tồn tại. Do đó, hầu như các ngân hàng khó có thể từ chối hỗ trợ khách hàng nếu họ có một phương án kinh doanh tốt, hay gặp khó khăn thực sự bởi dịch bệnh./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục