Sẽ thay thế Quinvaxem bằng vắc xin 5 trong 1 với hiệu quả tương tự

15:34' - 28/03/2018
BNEWS Hiện nay, Bộ Y tế đã có lộ trình lựa chọn vắc xin chuyển đổi là loại 5 trong 1 giống về thành phần, hiệu quả và hiệu lực như Quinvaxem.

Hiện nay, nhà sản xuất Berna Biotech đã ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem (5 trong 1) - vắc xin được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi 7 năm qua để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib ở Việt Nam.

Số vắc xin Quinvaxem còn lại dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5/2018 trên quy mô toàn quốc. Vậy kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem bằng loại vắc xin khác sẽ như thế nào - phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. Ảnh: TTXVN

*Phóng viên: Dư luận xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ đang rất quan tâm đến việc tạm dừng lưu hành loại vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, vậy ông có thể chia sẻ thêm thông tin về vấn đề này?

*Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu: Hiện nay, Việt Nam đang lưu hành hơn 30 loại vắc xin; trong đó những loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng gồm: 5 trong 1 (Quinvaxem), lao, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não mủ phổi, rubella, rota…

Vắc xin Quinvaxem được sử dụng từ năm 2010 và đến nay đã có 42 triệu liều được tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Bảy năm qua, vắc xin Quinvaxem đã góp phần quan trọng trong việc thanh toán và phòng chống nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến ở trẻ em gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.

Thời gian tới, nhà sản xuất Hàn Quốc sẽ ngừng sản xuất loại vắc xin Quinvaxem. Do đó, Việt Nam cũng như các nước đang sử dụng vắc xin này đều phải dùng vắc xin chuyển đổi. Việc thay thế vắc xin là bình thường và nguyên nhân là do nhà máy ngừng sản xuất. Bộ Y tế cố gắng bảo đảm có vắc xin kế tiếp cho trẻ em được tiêm chủng đầy đủ.

*Phóng viên: Vậy lộ trình chuyển đổi vắc xin sẽ được Bộ Y tế tiến hành như thế nào?

*Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu: Hiện nay, Bộ Y tế đã có lộ trình lựa chọn vắc xin chuyển đổi là loại 5 trong 1 giống về thành phần, hiệu quả và hiệu lực như Quinvaxem.

Bộ sẽ lựa chọn loại vắc xin được sử dụng nhiều và rộng rãi trên thế giới để nhập khẩu về Việt Nam, trải qua các thủ tục kiểm định và sẽ tiến hành tiêm ở quy mô nhỏ tại 4 tỉnh, thành phố để rút kinh nghiệm. Từ tháng 6/2018, ngành y tế sẽ tiến hành tiêm trên quy mô toàn quốc. Hiện tại, Bộ Y tế chưa quyết định loại vắc xin nào sẽ thay thế vắc xin Quinvaxem.

Vì vậy, các phụ huynh đang cho con tiêm vắc xin Quinvaxem hoàn toàn yên tâm khi cho con tiêm nhắc mũi sau bằng loại vắc xin 5 trong 1 mới. Đặc biệt, Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ không được dừng tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ. Bởi vì nếu không tiêm phòng, trẻ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.

*Phóng viên: Năm 2017, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc tiêm chủng. Ngoài chuyển đổi vắc xin 5 trong 1, năm 2018, Bộ Y tế đang có lộ trình thay đổi một số loại vắc xin khác, trong đó có vắc xin do Việt Nam sản xuất. Xin ông cho biết về lộ trình thay đổi này?

*Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu: Năm 2017, tỷ lệ tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc đạt hơn 95%. Đây là năm thứ 18 liên tiếp Việt Nam bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 12 duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên phạm vi cả nước. Bệnh sởi và bệnh rubella vẫn được khống chế, không để xảy ra dịch trên toàn quốc. Đặc biệt, năm 2017, tình trạng khan hiếm vắc xin không xảy ra.

Trong năm nay, ngoài chuyển đổi vắc xin 5 trong 1, Bộ Y tế sẽ đưa vắc xin phòng sởi – rubella của Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) sản xuất vào tiêm chủng mở rộng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí nhập thuốc ngoại. Hiện nay, dịch sởi có thời điểm bùng phát rất nguy hiểm.

Trong đó, dù rubella không gây bệnh lâm sàng nặng, chỉ phát ban nhưng lại gây nhiều dị tật bẩm sinh, nhất là ở các bà mẹ mang thai. Vì thế, tiêm vắc xin sởi – rubella giải quyết được hai vấn đề này.

Từ tháng 3/2018, vắc xin phòng sởi - rubella của Việt Nam đã được tiêm ở quy mô nhỏ ở 4 tỉnh. Từ tháng 4/2018, vắc xin sởi – rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng. Việc đưa vắc xin sởi - rubella của Việt Nam sản xuất, thay thế những vắc xin nhập ngoại sẽ phủ được rộng hơn cho đối tượng 18 tháng tuổi và những vùng nguy cơ. Trước đó, trẻ dưới 18 tháng tuổi chỉ tiêm sởi đơn.

Ngoài ra, để tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt đạt được, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cùng với tiếp tục cho trẻ 2, 3,4 tháng tuổi uống 3 liều vắc xin bại liệt bOPV (vắc xin bại liệt hai tuýp), Bộ Y tế sẽ đưa vắc xin dạng tiêm (IPV) cho trẻ 5 tháng tuổi vào Chương trình tiêm chủng mở rộng từ tháng 8/2018.

*Phóng viên: Hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu để có thể tiến hành tiêm vắc xin phòng sởi sớm cho trẻ từ 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng như trước. Xin ông cho biết cụ thể về điều này?

*Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu: Vắc xin sởi hiện được tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi bởi vì thực tế, miễn dịch của mẹ có thể truyền cho con được tới 9 tháng. Khi đó, miễn dịch con giảm thì vắc xin tiêm vào cơ thể trẻ mới có giá trị. Nhưng vừa qua, nhiều trẻ mắc sởi dưới 9 tháng khi chưa được tiêm chủng vì các bà mẹ không có miễn dịch truyền cho con. Vì thế, hiện Bộ đang nghiên cứu đánh giá lại để có thể tiêm vắc xin sởi cho bé từ 6 tháng tuổi. Trước đó, Bộ đã nghiên cứu, đánh giá lâm sàng việc tiêm vắc xin này cho trẻ từ 6 tháng tuổi...

*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục