Sẽ trình Quy hoạch tổng thể quốc gia vào Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

10:43' - 15/09/2022
BNEWS Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia đã đủ điều kiện để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội khóa XV xem xét trong Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 tới.
Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở ý kiến tham gia đóng góp tại Phiên họp Thẩm định Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia trong phạm vi của Quy hoạch tổng thể quốc gia để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đạt chất lượng cao nhất, trình Chính phủ xem xét thông qua và trình Quốc hội quyết định vào Kỳ họp thứ 4. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tính đến ngày 14/9/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định) đã nhận được ý kiến tham gia thẩm định của 40/49 thành viên Hội đồng thẩm định (25/34 thành viên Hội đồng thẩm định và 15/15 chuyên gia phản biện. Nhìn chung các ý kiến tham gia cơ bản thống nhất với hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình thẩm định, đồng thời đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung.

"Toàn bộ 40 văn bản tham gia ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng và chuyên gia phản biện, bao gồm 327 ý kiến, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tiếp thu 234 ý kiến và giải trình 93 ý kiến", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm.

Tại Phiên họp thẩm định mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, Hội đồng thẩm định đã phát ra 44 phiếu, tương đương số ủy viên, thành viên của Hội đồng thẩm định. Kết quả bỏ phiếu cho thấy, 100% thành viên, ủy viên nhất trí thông qua hồ sơ quy hoạch.

Trong đó, có 7 phiếu đồng ý thông qua không cần chỉnh sửa, chiếm 16%; 37 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, chiếm 84% số phiếu. Như vậy, hồ sơ quy hoạch đã đủ điều kiện để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội khóa XV xem xét trong Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 tới.

Trong khi đó, với Dự thảo Báo cáo thẩm định, cũng đã có 100% ủy viên, thành viên Hội đồng thẩm định thông qua. Trong đó, 16 phiếu đồng ý thông qua không cần chỉnh sửa, chiếm 36%; 28 phiếu đồng ý thông qua nhưng với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, chiếm 63%.

Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Vân Đồn Móng Cái do Sun Group đầu tư xây dựng cùng tỉnh Quảng Ninh hiện được đánh giá là tuyến cao tốc đẹp nhất Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đánh giá cao nội dung của bản báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia, nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây là bản quy hoạch quan trọng, mang tính tổng thể và định hướng cho các ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy cần làm rõ một số nội dung liên quan đến kinh tế biển, đến phát triển đô thị, nông thôn cũng như quy hoạch lại các vùng kinh tế nhằm phát huy cao nhất những lợi thế của từng vùng, miền, địa phương một cách tốt nhất.

Về quy hoạch kinh tế biển, Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, về không gian biển, báo cáo quy hoạch đề cập quá ít, trong khi đó tầm nhìn của quy hoạch đến năm 2050, nên chiến lược biển cần có tầm nhìn "đại dương" chứ không chỉ đề cập trong phạm vi biển Đông.

"Bên cạnh đó, để khai thác được kinh tế biển hiệu quả, chúng ta không chỉ khai thác những ngành nghề hiện có mà cần có chiến lược khai thác sâu bằng công nghệ hiện đại, bởi các quốc gia trên thế giới đã đưa ra phương án khai thác biển theo chiều sâu, còn Việt Nam một quốc gia có thế mạnh về biển nhưng chưa tận dụng được lợi thế này", ông Trần Đình Thiên đề cập.

Cũng liên quan đến khai thác lợi thế kinh tế biển, PGS, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về biển, lợi thế về du lịch biển, nhưng chúng ta vẫn thiếu một cảng du lịch biển chuyên biệt. Vì thế, quy hoạch cần đề cập phát triển cảng du lịch biển chuyên biệt, điều đó sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam hấp dẫn được những du khách quốc tế đến Việt Nam.

Theo Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; đây là nhiệm vụ mới, rất quan trọng, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng đây cũng là một cơ hội rất lớn để chúng ta đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể, qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển đất nước; định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của quốc gia.

“Hình tượng công tác quy hoạch như người công binh mở đường cũng nhấn mạnh vai trò dẫn dắt phát triển, kiến tạo phát triển của Nhà nước trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Để làm tốt công tác quy hoạch, phương pháp tiếp cận phải đúng, đòi hỏi chúng ta phải cầu thị, lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp xác đáng, tham khảo kinh nghiệm tốt của quốc tế, tận dụng mọi nguồn lực, phát huy trí tuệ tập thể để xây dựng bản quy hoạch tốt nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục