Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Quy hoạch quốc gia với tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược

13:38' - 14/09/2022
BNEWS Quy hoạch tổng thể quốc gia tập trung vào phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng trên phạm vi cả nước.
Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: MPI
Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức sáng 14/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển của đất nước.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch trên cơ sở bám sát các nghị quyết của Trung ương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, hướng tới các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2025, 2030 và 2045. Do đó, Quy hoạch phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, khả thi, phù hợp tình hình đất nước, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

*Mở ra không gian phát triển mới, cơ hội phát triển mới

Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thành lập theo Quyết định số 965/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Chủ tịch Hội đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư , Quy hoạch tổng thể quốc gia tập trung vào phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng trên phạm vi cả nước.

Quy hoạch tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Xác định các quan điểm lớn về phát triển quốc gia; xác định và định hướng phát triển cho các vùng động lực, cực tăng trưởng; hình thành các trục và hành lang kinh tế; hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng.

Xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng một cách thực chất, tổng thể, qua đó đề xuất định hướng bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của đất nước, mở ra không gian phát triển mới, cơ hội phát triển mới, động lực phát triển mới để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch tích hợp, tổng hợp, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, liên cấp, với sự tham gia, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với 16 bộ, ngành xây dựng Báo cáo Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia (các quan điểm, mục tiêu và định hướng ưu tiên phát triển).

Báo cáo Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ thảo luận, cho ý kiến nhiều lần. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng 41 hợp phần quy hoạch và nghiên cứu, tích hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoàn thiện quy hoạch; gửi xin ý kiến các bộ, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương và 5 Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia và các địa phương, đồng thời đăng tải hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham khảo nhiều kinh nghiệm quốc tế; trong đó có quy hoạch quốc gia của các nước như Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản - các nước có nhiều điều kiện tương đồng và mức độ phát triển cao hơn trong khu vực để tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức lập và nội dung quy hoạch quốc gia ở các nước nêu trên.

*Tạo "đầu tàu" để cùng phát triển

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch tổng thể quốc gia là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.

Chuyên gia phản biện Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, bản dự thảo Quy hoạch tổng thể Quốc gia đã phân tích các yếu tố, điều kiện phát triển, hiện trạng phát triển quốc gia; đồng thời, đánh giá được các tác động, các xu hướng ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến định hướng, không gian phát triển lên kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Việc đánh giá kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém trong tổ chức không gia phát triển của nước ta giai đoạn 2011-2020 là hết sức cần thiết. Báo cáo dự thảo Quy hoạch tổng thể Quốc gia đã nêu được 7 mặt được và 7 mặt hạn chế, yếu kém. Đồng thời bản Quy hoạch cũng đã xác định 5 điểm nghẽn trong quá trình phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, Quy hoạch tổng thể Quốc gia cần làm rõ hơn điểm nghẽn về các yếu tố nền tảng trong phát triển, như: thể chế phát triển, nguồn nhân lực, phương thức quản trị; các vấn đề bền vững, các cân đối lớn như: cân đối tích lũy- tiêu dùng; năng lượng; lương thực; cân đối thu - chi ngân sách; cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế..., để đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại còn thấp so với yêu cầu; trình độ khoa học, công nghệ còn thấp; năng lực tiếp cận chuyển đổi số còn hạn chế; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu, khả năng tự chủ của nền kinh tế còn thấp.

Tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế, khả năng trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 vẫn còn là thách thức lớn.

TS. Cao Viết Sinh cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần lưu ý thêm các vấn đề bao trùm và bất định là “toàn cầu hóa bị đảo ngược”, tốc độ, cơ cấu thương mại cũng thay đổi theo, thay đổi cả địa chính trị của các nước lớn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn đến năm 2030, do nguồn lực phát triển có hạn, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển. Cụ thể là tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất (vùng lõi) để hình thành các vùng động lực quốc gia, bao gồm: Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Hạ Long, Vân Đồn), tứ giác Tp. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, vùng ven biển Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi và tam giác Cần Thơ - An Giang (Long Xuyên) - Kiên Giang (Rạch Giá, Phú Quốc) với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên.

Cùng với đó, Quy hoạch sẽ tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc-Nam và hướng Đông-Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Đồng thời ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông, 2 hành lang kinh tế Đông-Tây: Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Mộc Bài - Tp. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu; từng bước hình thành và phát triển các hành lang Đông - Tây khác..../.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục