Sên biển triton sẽ là "cứu tinh" cho rạn san hô Great Barrier

17:51' - 18/09/2017
BNEWS Nhằm tiêu diệt "thủ phạm" đang tàn phá rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier, Chính phủ Australia thông báo nước này sẽ hỗ trợ chương trình nuôi trồng sên biển khổng lồ triton.

Sên biển khổng lồ triton - "thiên địch" của sao biển gai (có tên khoa học là Acanthaster planci).

Rạn san hô Great Barrier ở ngoài khơi đảo Whitsunday, dọc bờ biến bang Queensland, Australia ngày 20/11/2014. Ảnh: AFP/TTXVN

Sao biển gai đang là mối đe dọa lớn đối với sự tồn tại của các rạn san hô do chúng "ăn" san hô với tốc độ nhanh hơn tốc độ sinh sản của loài này. Đặc biệt khi biển ngày càng bị ô nhiễm tạo điều kiện cho loài sao biển gai sinh sôi mạnh hơn, gây ra nguy cơ lớn hơn đối với rạn san hô Great Barrier trong danh sách hệ sinh thái Di sản thế giới này.

Theo một nghiên cứu năm 2012, diện tích bao phủ của rạn san hô Great Barrier đã giảm 50% trong vòng 27 năm và 42% thiệt hại này là do sao biển gai.

Một nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học đại dương Australia (AIMS) đã mở ra một hướng giải quyết mới cho vấn nạn này. Theo nghiên cứu trên, sao biển gai thường không xuất hiện ở các khu vực có sên biển triton sinh sống. Sên biển triton còn được gọi là sên khổng lồ, với kích thước có thể đạt tới 50 cm, và thức ăn yêu thích của loài này chính là sao biển gai.

Dù vậy, sức "tiêu thụ" sao biển gai của sên biển triton khá thấp (một con sên biển triton trong một tuần chỉ ăn một vài con sao biển gai) và loài này hiện còn đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng do săn bắt quá mức để lấy vỏ ốc.

AIMS cho biết viện nghiên cứu này đang nuôi trồng một lượng lớn trứng sên và đã có hơn 100.000 trứng nở thành ấu trùng. Tuy nhiên, công tác nuôi trồng sên biển triton hiện vẫn ở giai đoạn thử nghiệm do loài sên này quá hiếm và giới khoa học hầu như không biết gì về chu kỳ và tập quán sống của loài sinh vật này.

Tại AIMS hiện có tổng cộng 8 con sên biển triton mà các nhà khoa học cho biết họ phải mất tới 2 năm để thu thập. Mục tiêu của chương trình là nhằm phổ biến loài "khắc tinh" của sao biển gai tại khu vực rạn san hô Great Barrier và ngăn chặn sự sinh sôi của sao biển gai cũng như sự tàn phá của loài này đối với hệ sinh thái thuộc Di sản thế giới.

 Cụm san hô thuộc rạn san hô Great Barrier ngày 22/9/2014. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà khoa học Australia tin rằng nếu thành công, đây sẽ là biện pháp hiệu quả nhất để đối phó với sao biển gai. Trước đây, các nhà nghiên cứu từng sử dụng các loại hóa chất đắt tiền để tiêu diệt loại sinh vật gây hại này nhưng biện pháp này không chỉ tốn kém mà còn gây hại cho các sinh vật biển khác.

Hồi tháng 4, giới chuyên gia nước này cũng đề xuất sử dụng giấm ăn để diệt sao biển gai mà không gây hại cho môi trường biển. Tuy nhiên, biện pháp này lại rất tốn công vì cần phải lặn xuống biển và tiêm trực tiếp giấm ăn vào từng con sao biển. Ước tính khu vực rạn san hô Great Barrier hiện có khoảng 10 triệu con sao biển gai.

Rạn san hô Great Barrier là một địa điểm du lịch quan trọng đóng góp hơn 7 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Australia và cũng là sinh kế của khoảng 70.000 dân địa phương. Các biện pháp kiểm soát số lượng sao biển gai được coi là một trong những hoạt động quan trọng để bảo vệ rạn san hô và tăng cơ hội phục hồi cho rạn san hô vốn đang bị cảnh báo về tốc độ tẩy trắng ngày càng nhanh do tác động của biến đổi khí hậu.

Hồi đầu tháng này, các nhà khoa học công bố kết quả khảo sát cho thấy 2.300 km dọc rạn san hô đã phải trải qua đợt tẩy trắng trên diện rộng thứ 2 do nước biển ấm lên. Một số đoạn thậm chí còn không thể phục hồi. San hô bị tẩy trắng sẽ giòn và yếu hơn, dễ bị mắc bệnh và dần chết đi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục