Shopping online mở cửa thị trường tiêu dùng toàn cầu

15:53' - 09/10/2019
BNEWS Thị trường thương mại điện tử vẫn đòi hỏi năng lực cạnh tranh, nhưng khách hàng sẽ là người đưa ra lựa chọn cuối cùng trong hành trình mua – bán.

Làn sóng công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ đã chấp cánh cho thị trường thương mại phát triển; trong đó, người tiêu dùng toàn cầu, nhất là giới trẻ hầu như luôn tìm kiếm sản phẩm và thông tin sản phẩm trước khi mua trên kênh thương mại điện tử bằng điện thoại thông minh. Điều này tạo nên làn sóng shopping online.
*Công nghệ giúp phân loại thị trường

Người tiêu dùng thông minh đang chuyển đổi thói quen tiêu dùng mới.. Ảnh: ReadyTechGo

Hiện nay, số hóa mô hình kinh doanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp toàn cầu; trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.

Điều này, đặt ra yêu cầu cho các nhà bán lẻ, cũng như doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, mở rộng thị trường thương mại điện tử… nếu muốn giữ chân khách hàng thân thiết và tìm kiếm khách hàng mới.
Nếu đáp ứng được phân khúc mua sắm di động, doanh nghiệp thỏa mãn phân khúc khách hàng trẻ năng động, người tiêu dùng thông minh đang chuyển đổi thói quen tiêu dùng mới.

Cùng với đó, doanh nghiệp không chỉ nâng cấp mô hình kinh doanh theo hướng chuyển đổi số hóa, mà còn từng bước vượt ra khỏi ranh giới địa lý để vươn ra thị trường toàn cầu.
Kênh thương mại điện tử còn mang lại cho đơn vị kinh doanh cơ sở dữ liệu lớn, hỗ trợ xác định phân khúc khách hàng tiềm năng…

Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định kinh doanh phù hợp trong hoạt động bán hàng xuyên biên giới với chi phí tiết kiệm hơn mô hình kinh doanh truyền thống.
Nói cách khác, hiện nay mọi người thường nói đến công nghệ và cơ sở dữ liệu là một tài sản của doanh nghiệp, cũng như yếu tố then thốt cho hoạt động kinh doanh. Công nghệ và cơ sở dữ liệu giúp doanh nghiệp phân loại từng thị trường cụ thể, thị hiếu người tiêu dùng toàn cầu để cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp và khai thác hiệu quả nhiều thị trường tiềm năng khác nhau.
Đáng chú ý hơn, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy bởi thị trường. Do đó, khi người dân toàn cầu đang chuyển đổi thói quen tiêu dùng, doanh nghiệp cần cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ để có chiến lược phù hợp cho các đối tác trong chuỗi cung ứng trên nền tảng thuơng mại điện tử.
Riêng với việc số hóa mô hình kinh doanh, vấn đề đầu tiên cần giải quyết là định vị chỗ đứng của doanh nghiệp đang ở đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Làm sao tận dụng được kênh thương mại điện tử để chuyển đổi mô hình kinh doanh luôn là câu hỏi mà mỗi doanh nghiệp phải tự tìm kiếm lời giải, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Steven Zheng, Chuyên gia tư vấn kinh doanh toàn cầu cho rằng, nếu hướng đến thương mại điện tử xuyên biên giới và thị trường tiêu dùng toàn cầu, doanh nghiệp cần nhận diện đối tượng khách hàng không chỉ là người tiêu dùng cuối cùng, mà còn có thể là đại lý, nhà phân phối, người mua sỉ...

Vì vậy, doanh nghiệp cần chú ý không cạnh tranh với những đối tượng này, đồng thời xây dựng chuỗi logistics tiết kiệm chi phí nhất trên cơ sở tiềm năng thị trường như chọn nơi đặt nhà máy sản xuất, kho bãi, vận chuyển…
Trong tương lai, tất cả đối tác sẽ đóng góp một phần vào cơ sở dữ liệu chung để hỗ trợ lẫn nhau trên nền tảng thương mại điện tử. Với sự cộng hưởng này, sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hoặc xây dựng chuỗi cung ứng mới, chứ không chỉ những công ty đa quốc gia.
Theo một số chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử cần đáp ứng yêu cầu hình thành chuỗi, gồm 3 yếu tố: nắm bắt hành vi người tiêu dùng, đảm bảo trải nghiệm khách hàng tốt nhất, quản lý chiến lược mô hình kinh doanh phù hợp.

Hiện nay, không ai quan tâm doanh nghiệp là nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ… mà chỉ chú trọng người bán có thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ hay cái gì trong hệ sinh thái số hóa mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử toàn cầu.
Thị trường thương mại điện tử vẫn đòi hỏi năng lực cạnh tranh, nhưng khách hàng sẽ là người đưa ra lựa chọn cuối cùng trong hành trình mua – bán.

Doanh nghiệp cần chen chân thành công và xây dựng vị thế ở một khâu nào đó trong chuỗi cung ứng toàn cầu trên nền tảng số hóa, cũng như tăng khả năng nhận diện thương hiệu.
*Cơ hội phát triển thị trường mới
Đối với thị trường xuất khẩu, kênh offline truyền thống là doanh nghiệp tham gia triển lãm, hội chợ, hội thảo; còn kênh online là website công ty, kênh thương mại điện tử kết nối thị trường toàn cầu…

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thương mại tự do, cần kết hợp cả hai kênh offline và online như là một giải pháp toàn diện để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Người tiêu dùng ngày càng chuộng mua sắm online. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Mặt khác, số hóa mô hình kinh doanh còn là một yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn hội nhập và tiếp thị đến người tiêu dùng toàn cầu. Dù là nhà bán lẻ, doanh nghiệp hay người bán cần thay đổi tư duy về nhận thức, nâng cao kiến thức trước khi có chiến lược chuyển đổi số hóa mô hình kinh doanh.
Bởi triển khai số hóa mô hình kinh doanh, đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu biết về nó để xây dựng đội ngũ đáp ứng vận hành hiệu quả. Đồng thời, hội nhập thị trường thương mại điện tử cần chủ động đào tạo và liên kết với những nền tảng thương mại điện tử toàn cầu để được chuyển giao công nghệ.
Trên thực tế, những người bán tại Việt Nam gặp khó khăn tham gia vào thuơng mại điện tử đến do những nguyên nhân như không tìm kiếm được cơ hội xuất khẩu, hạn chế nhân sự, tiêu chuẩn hàng hóa chưa đáp ứng thị trường toàn cầu.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Trang, chuyên gia phát triển kinh doanh, Công ty TNHH Innovative Hub tại thị trường Việt Nam cho hay, kênh thương mại điện tử càng ngày càng phát triển nhiều công cụ cho phép người tiêu dùng mua sắm trực tuyến (shopping online) dễ dàng hơn.

Đặc biệt, người tiêu dùng bất cứ đâu, thời gian nào cũng có thể mua sắm với thiết bị thông minh, thanh toán trực tuyến, đồng thời chọn lựa phương thức phục vụ và giao hàng tiện ích phù hợp.
Công nghệ hỗ trợ cho những nhà bán lẻ nhỏ nhất như tiệm tạp hóa cho đến nhà bán lẻ toàn cầu, thu thập và phân tích cơ sở dữ liệu khách hàng. Cùng với đó, ứng dụng công cụ số hóa sẽ gợi ý giúp đơn vị kinh doanh nhận biết sản phẩm, dịch vụ có doanh số cao và cung cấp thông tin về thị hiếu tiêu dùng.
Ở góc công ty kinh doanh quốc tế, ông Steven Zheng dẫn chứng cụ thể, lý do chọn thương mại điện tử làm đòn bẩy cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thế giới là do sự bất ổn của thị trường thương mại toàn cầu. Trước tình hình này, doanh nghiệp cần những thị trường mới bên cạnh thị trường truyền thống.
Mặt khác, thị trường truyền thống không sụt giảm nhu cầu tiêu dùng, nhưng gặp nhiều thách thức trong tiếp cận và vướng nhiều rào cản kỹ thuật phòng vệ thương mại. Đây cũng là nguyên nhân đòi hỏi đơn vị kinh doanh phải chuyển đổi số hóa mô hình kinh doanh và phát triển thị trường thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, xuất khẩu trực tuyến đã và đang là một trong những kênh hiệu quả nhất để nhanh chóng tiếp cận mọi thị trường, kể cả những thị trường đang tranh chấp thương mại. Còn trong dài hạn, xuất khẩu trực tuyến là xu hướng tất yếu, giúp mở rộng thị trường…
Ghi nhận tầm quan trọng của xu hướng kỹ thuật số đối với sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai, Chính phủ đã đề xuất dự thảo đưa 50% các doanh nghiệp lên nền tảng số đến năm 2025, và đặt mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm khoảng một phần tư GDP.

So với các nền kinh tế trong ASEAN về tiềm năng tăng trưởng thương mại, Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ nhất nhờ những cải thiện trong năng lực hỗ trợ thương mại và tính năng động của nền kinh tế hướng đến số hóa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục