Siết chặt kỷ luật trong sử dụng tài chính, ngân sách

19:45' - 12/11/2019
BNEWS Siết chặt kỷ luật, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách... là một số nội dung nêu trong Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Ngày 12/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).
Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành. Ước tính để làm dự án này ACV sẽ phải huy động gần 2,63 tỷ USD bên cạnh hơn 1 tỷ USD đã có.

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc giao cho ACV đầu tư, khai thác là hợp lý, ngoài đơn vị này khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia.
Cho ý kiến tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại rằng một số vấn đề như diện tích thu hồi đất, số vốn mà ACV huy động ảnh hưởng đến nợ công, tiến độ thực hiện và giải ngân dự án… Một số đại biểu khác đặt vấn đề về diện tích đất tăng thêm được tính vào dự án giải phóng mặt bằng hay tính vào giai đoạn 1.

Theo đó, quy hoạch ban đầu có 5.000 ha đất dành cho dự án. Nay Chính phủ cho rằng cần thu hồi thêm 136 ha đất để làm thêm đường kết nối với sân bay, lại nằm ngoài ranh 5.000 ha. Điều này theo nhiều đại biểu sẽ gây khó khăn hơn cho việc giải phóng mặt bằng.
Tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng giải trình đối với ý kiến của các đại biểu về dự án này. Bộ trưởng cho biết, sân bay Long Thành sẽ được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất hiện nay.

Trong quá trình thực hiện nếu có công nghệ mới tốt hơn, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, cập nhật, đảm bảo khi sân bay vận hành, thiết bị đấy phải hiện đại nhất trong thời điểm đó. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. 

Bộ sẽ làm việc với ACV xin cơ chế thuê chuyên gia, tổ chức quốc tế để tăng cường công tác hỗ trợ cho ACV, tăng cường kiểm tra giám sát, đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Các đại biểu cho rằng đây là dự án thực sự cần thiết với tỉnh Bình Thuận, bởi huyện Hàm Thuận Nam thường xuyên chịu khô hạn, khó khăn trong việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân trong huyện. 

Việc xây dựng hồ sẽ giúp khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn nước sông Ka Pet để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hàm Thuận Nam, tạo nguồn cung cấp nước ổn định phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trả lời các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng địa điểm của dự án đã được Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng; xác định các giải pháp khả thi nhất, trong đó có tính diện tích rừng phải chuyển đổi.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, với 93,37% đại biểu tán thành. Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị sửa khoản 2 Điều 23 của Luật hiện hành theo hướng quy định tỷ lệ tối thiểu đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách với con số cụ thể ở mức cao hơn 35% để có cơ sở phấn đấu, quy hoạch, bố trí cán bộ.
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến tán thành việc xác định cơ cấu của Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên như dự thảo Luật. Trong số các Ủy viên sẽ bao gồm Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng, Ủy ban và các Ủy viên khác hoạt động kiêm nhiệm.

Các Ủy viên hoạt động chuyên trách có quyền tham dự, phát biểu ý kiến và biểu quyết tại các cuộc họp của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban của Quốc hội. Chế độ chính sách đối với các Ủy viên hoạt động chuyên trách sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để bảo đảm phù hợp với cơ cấu, mặt bằng chung của các cơ quan trong hệ thống chính trị, không thấp hơn hiện nay và thu hút được cán bộ về công tác tại Quốc hội. 

Bên cạnh đó, có ý kiến tuy đồng ý với cơ cấu của Hội đồng, Ủy ban như dự thảo Luật nhưng cho rằng, Ủy viên hoạt động chuyên trách là cụm từ chỉ tính chất hoạt động, chứ không phải chức danh, vì vậy, đề nghị giữ lại tên gọi chức danh Ủy viên Thường trực như hiện nay./.

>> Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục