Siết chặt các quy định pháp luật trong công tác chống buôn lậu thuốc lá

21:36' - 23/10/2016
BNEWS Những chồng chéo, bấp cập về quy định pháp lý hiện hành thời gian qua đã khiến công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu của các lực lượng chức năng gặp phải không ít khó khăn nhất định.

Vì vậy, đã có nhiều ý kiến cho rằng các bên liên quan cần thống nhất hướng giải quyết mới giúp dẹp yên chảo lửa luôn nóng này cũng như thúc đẩy công tác chống buôn lậu thuốc lá nếu không muốn tiến trình bị chậm lại.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên BNEWS đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam.

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

BNEWS: Song hành cùng các chế tài mạnh tay là hàng loạt các văn bản mà mới nhất là Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính nhưng nạn buôn lậu thuốc lá vẫn không hề suy giảm. Theo ông, tại sao buôn lậu thuốc lá lại trở nên hấp dẫn đến vậy?

Ông Vũ Văn Cường: Theo quy định pháp luật hiện hành, sản phẩm thuốc lá điếu kinh doanh hợp pháp phải chịu các mức thuế suất cao và ngày càng tăng, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 70% (và sẽ tăng lên 75% từ 01/01/2019), thuế nhập khẩu ưu đãi là 135% (đối với thuốc lá nhập từ nước ngoài), thuế GTGT (10%), đồng thời còn phải chịu khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá là 1.5% (sẽ tăng lên 2% từ 1/5/2019).

Như vậy, chỉ tính các khoản thuế phí theo quy định, so với giá nhập khẩu thì giá bán đầu ra cho nhà phân phối 1 bao thuốc lá nhập vào Việt Nam đã tăng gấp gần 4,5 lần.

Thêm vào đó, thuốc lá lại là mặt hàng gọn nhẹ, dễ vận chuyển không như các mặt hàng buôn lậu khác như  bia, rượu, xăng dầu, đường cát mà lợi nhuận thu được từ vận chuyển trót lọt 1 bao thuốc lá lậu từ biên giới vào nội địa là từ 1.000 đến 1.500 đồng/bao.

Những yếu tố trên làm cho kinh doanh thuốc lá nhập lậu siêu lợi nhuận và trở nên đặc biệt hấp dẫn vì giá thấp do trốn nộp thuế và hút khách do không in hình cảnh báo.

Vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận chỉ sau ma túy.

Đây là những nguyên nhân khiến nạn kinh doanh thuốc lá lậu luôn hoành hành và lượng sản phẩm thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam luôn ở mức rất cao, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 20% tổng lượng tiêu thụ sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam.

BNEWS: Ông có thể chia sẻ thêm về tác hại của thuốc lá nhập lậu sẽ ảnh hưởng đến kinh tế xã hội và nguyên nhân khiến chống lậu thuốc lá vẫn ngoảnh mặt trước những nỗ lực của các lực lượng chức năng?

Ông Vũ Văn Cường: Theo thống kê, thuốc lá lậu hiện đang gây thất thu thuế nặng nề cho ngân sách Nhà nước.

Năm 2012, thất thu thuế vào khoảng 6.500 tỷ đồng và đã tăng lên khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm gần đây.

Không chỉ gây tổn hại cho ngân sách, thuốc lá lậu cũng khiến người nông dân trồng thuốc lá và công nhân sản xuất thuốc lá mất việc làm. Thêm vào đó, thuốc lá nhập lậu không kiểm soát được về chất lượng.

Các kiểm nghiệm gần đây tại Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an và Viện Thuốc lá đã cho thấy tỷ lệ các thành phần độc hại (ví dụ như coumarin) và tỷ lệ các thành phần khác như cao thuốc lá và nicotin trong các mẫu thuốc lá Jet và Hero nhập lậu vượt quá mức cho phép của Bộ Y tế.

Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cùng đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chỉ thị, Thông tư và Nghị quyết nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, tình hình thuốc lá lậu vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Chỉ thị số 30/CT-TTg năm 2014 đã nêu rõ một nguyên nhân của tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra nghiêm trọng là do “các chế tài xử lý chưa mang tính răn đe” và yêu cầu sửa đổi quy định “theo hướng quy định giảm số lượng bao thuốc lá nhập lậu làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự”.

BNEWS: Hiện nay, các Luật như bộ Luật hình sự 2015, Luật Đầu tư, Luật thương mại, Nghị định 124 còn nhiều bất cập và chồng chéo. Điều này đã gây khó khăn cho công tác xử lý nhóm đối tượng buôn bán vận chuyển thuốc lá nhập lậu như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Văn Cường: Đúng là vẫn còn khá nhiều điều chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật. Chẳng hạn như tại Nghị định 43/2009/NĐ-CP đã đưa “thuốc lá điếu nhập lậu” vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.

Tại Điều 9 của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 cũng quy định “mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu” là những hành vi bị nghiêm cấm.

Tuy nhiên Luật Đầu tư 2014 không quy định cấm đầu tư kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trong khi lại quy định “kinh doanh sản phẩm thuốc lá” là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Việc này gây hiểu nhầm là kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu thuộc ngành nghề có điều kiện và tạo ra khó khăn trong công tác xử lý hình sự đối với kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, đối với bộ luật hình sự 2015 đã được thông qua có những thay đổi không phù hợp với thực tế công tác chống buôn lậu thuốc lá, đặc biệt trong bối cảnh thuốc lậu ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.

Đơn cử là các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm được bộ luật hình sự 2015 điều chỉnh tại Điều 190 và 191 đã bỏ quy định về số lượng mặt hàng phạm pháp theo các tiêu chí: lớn, rất lớn, và đặc biệt lớn khi xác định tội danh và khung hình phạt như vốn đã quy định trước đây tại bộ luật hình sự 1999.

Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC quy định đối với thuốc lá điếu nhập lậu, số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao được coi là số lượng lớn và có thể bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, tại bộ luật hình sự 2015, hàng cấm bao gồm thuốc lá điếu nhập lậu muốn xử lý hình sự thì giá trị hàng phạm pháp tổi thiểu phải bằng 100 triệu đồng.

Tôi cho rằng, mức 100 triệu đồng này là quá cao so với quy định cũ, nên tính răn đe sẽ giảm đi rất nhiều. Nếu tính giá do các đối tượng buôn lậu bán buôn trung bình đối với 2 loại thuốc lậu chủ yếu là Jet và Hero hiện ở mức khoảng 15.000 đồng/bao thì 1.500 bao sẽ chỉ tương đương 22,5 triệu đồng.

Như vậy để có thể xử lý hình sự theo bộ luật hình sự 2015, lượng hàng lậu bắt được phải lớn hơn 4,4 lần số lượng theo quy định cũ.

Quy định xử lý hình sự căn cứ trên giá trị hàng cấm tại bộ luật hình sự 2015 đang đi ngược lại với chính sách tăng cường các biện pháp chống buôn lậu thuốc lá trong thời gian gần đây.

BNEWS: Theo ông, các cơ quan chức năng cần sửa đổi các Bộ luật này theo hướng nào để tạo tính răn đe cao đối với các đối tượng buôn lậu thuốc lá trên thị trường?

Ông Vũ Văn Cường: Việc tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu thuốc lá điếu tại Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của ngành thuốc lá và các cơ quan chức năng.

Để đạt được mục tiêu này, trước tiên các đơn vị chức năng phải siết chặt các quy định của pháp luật liên quan đến xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu.

Dù vậy, thay vì siết chặt việc xử lý hình sự đối với các hành vi có liên quan đến hoạt động buôn lậu thuốc lá, quy định mức giá trị hàng phạm pháp tối thiểu để xử lý hình sự (100 triệu, 300 triệu và 500 triệu đồng) là chưa phù hợp và sẽ làm cho việc xử lý hình sự đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu rất khó thực hiện được trên thực tế.

Điều này cũng cho thấy pháp luật thiếu đi công cụ pháp lý có tính răn đe mạnh mẽ nhất đó là xử lý hình sự, công cuộc đấu tranh phòng chống thuốc lá lậu sẽ đặc biệt khó khăn.

Nguy cơ buôn lậu thuốc lá sẽ ngày càng tăng mạnh làm thất thu ngân sách nhà nước, người lao động mất việc làm và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ cộng đồng.

Vì vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi điều 190, 191 của Bộ Luật Hình sự 2015: Không áp dụng giá trị hàng phạm pháp tối thiểu làm căn cứ để định tội và định khung đối với các tội danh liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu mà xử lý hình sự đối với các hành vi kể trên dựa trên cơ sở số lượng từ 500 bao trở lên, thống nhất với quy định tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP và Chỉ thị số 30/CT-TTg.

Đồng thời tiếp tục tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu bị bắt giữ, tịch thu, với các lý do: Việt Nam là thành viên của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá FCTC (hiệu lực 17/3/2005): trong đó Khoản 4c Điều 15 của FCTC quy định rõ các quốc gia thành viên phải “tiến hành các bước thích hợp để đảm bảo rằng tất cả các thiết bị sản xuất, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác, thuốc lá nhập lậu và các sản phẩm thuốc lá khác bị tịch thu được tiêu hủy”. Tái xuất thuốc lá điếu nhập lậu là đi ngược với quy định trên.

Trên thực tế tình hình thị trường thuốc lá nhập lậu tại Việt Nam: thuốc lá lậu tại Việt Nam chủ yếu là JET, HERO (chiếm 80%-90% lượng tiêu thụ thuốc lá nhập lậu).

Toàn bộ sản phẩm thuốc lá nhập lậu: không in cảnh báo sức khỏe; nơi sản xuất; thời gian sản xuất; không có giấy xác nhận chất lượng; ...  nên không đủ tiêu chuẩn để nhập khẩu ở đa số các quốc gia.

Nếu thực hiện tái xuất, do không có thị trường tiêu thụ nên nhiều khả năng các loại thuốc lá nhập lậu này sẽ tái thẩm lậu vào thị trường nội địa.

BNEWS: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan: Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, trong đó tập trung tại các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh,  Long An, Đồng Tháp, An Giang,Tây Ninh… Các đối tượng buôn lậu hoạt động không theo quy luật nhất định, vận chuyển nhỏ lẻ nhưng trong ngày thực hiện nhiều lượt vận chuyển. Mặt hàng chủ yếu là ba số 555, Marlboro, Jet, Esse, Hero, thuốc lá hiệu chữ Trung Quốc và nguyên liệu thuốc lá...
Trước và trong khi vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu, các đối tượng tổ chức dò, canh đường rất cẩn thận và thường xuyên giám sát chặt mọi hoạt động của lực lượng chức năng; sử dụng xuồng máy và xe gắn máy chạy với tốc độ cao. Khi bị các lực lượng chức năng truy đuổi thì các đối tượng buôn lậu phối hợp cản địa và bằng mọi cách thoát thân, không để lực lượng chức năng bắt giữ; còn có trường hợp một số ít đối tượng tổ chức manh động để gây rối, giật lại hàng lậu khi bị bắt giữ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục