Buôn lậu thuốc lá bùng phát tại khu vực phía Nam - Bài 2: Cần biện pháp mạnh

06:03' - 23/10/2016
BNEWS Địa phương nào để tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp và nhức nhối trong thời gian dài mà không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Theo các cơ quan chức năng, khó khăn trong công tác chống buôn lậu thuốc lá, hiện nay, một phần là do các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, manh động.

Phần khác là do hành lang pháp lý vẫn còn kẽ hở; một số quy định vẫn chồng chéo nhau dẫn đến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra, cũng do lực lượng mỏng, thiếu trang bị thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan còn chỉ ra một thực tế, lợi dụng đặc điểm địa hình biên giới phức tạp, lực lượng chức năng mỏng, các đối tượng buôn lậu thường vận chuyển trái phép thuốc lá qua các khu vực đường mòn, lối mở, hai bên cánh gà cửa khẩu nên công tác đấu tranh bắt giữ gặp nhiều khó khăn.

Đời sống dân cư của các tỉnh biên giới còn khó khăn, không có việc làm ổn định, dễ bị các đối tượng lợi dụng thuê vận chuyển thuốc lá nhập lậu qua biên giới.

Tiêu hủy hay tái xuất

Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Liên quan đến công tác phòng chống buôn bán thuốc lá nhập lậu, nhiều quan điểm cho rằng, đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá đã khó, công tác xử lý còn khó hơn. Hiện nay, hai phương án xử lý thuốc lá lậu khi bị tịch thu là tiêu hủy hoặc tái xuất vẫn đang gây lúng túng đối với cơ quan chức năng.

Qua nhiều năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tái xuất và tiêu hủy thuốc lá ngoại bị xử lý tịch thu, ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, các giải pháp này chưa có tác động chuyển biến và làm giảm cơ bản về số lượng thuốc lá nhập lậu qua biên giới tỉnh Long An nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, việc thực hiện tái xuất thuốc lá ngoại bị xử lý tịch thu cho thấy có thể thu lại một phần của cải xã hội; đồng thời ngân sách Nhà nước không phải gián tiếp chi thêm một khoản tiền hỗ trợ cho việc tiêu hủy.

Đồng tình với đề nghị thực hiện thí điểm tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, Thượng tướng Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an phân tích, lý do chọn phương án này là tránh gây lãng phí, tạo nguồn thu cho ngân sách, tránh gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, lâu nay ngoài bố trí kho bãi bảo quản, cất giữ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, để tiêu hủy phải thực hiện quy trình thủ tục mất thời gian và huy động nhiều lực lượng tham gia.

Tuy nhiên, xem xét ở khía cạnh luật pháp, ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, đề xuất thực hiện thí điểm tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu chưa phù hợp với yêu cầu của Công ước khung về phòng, chống tác hại thuốc lá mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Ngoài ra, nhằm triển khai tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, đòi hỏi phải có nơi bảo quản để đợi đủ số lượng thực hiện tái xuất, sẽ làm phát sinh thêm chi phí.

Bên cạnh thí điểm tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam còn đề xuất sửa đổi cơ chế tiêu hủy như tăng mức hỗ trợ từ 3.500 đồng/bao lên 5.500 đồng/bao. Song song đó, UNBD các tỉnh, thành phố trọng điểm phải chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có phương án cụ thể để tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu tại các địa điểm xử lý rác thải tập trung, đảm bảo phương pháp tiêu hủy thân thiện với môi trường.

Tại Hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá ở một số địa bàn trọng điểm vừa tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, đối với phương án tái xuất, thì phải xuất qua nước thứ 3, nên cơ quan quản lý trong nước có giải pháp giám sát như thế nào, có giám định được nguồn gốc không vì không cẩn thận thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được tái xuất sẽ quay lại thị trường Việt Nam theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành cần nghiên cứu kỹ, xem xét thêm để đảm bảo tính hiệu quả đối với cả phương án tiêu hủy hay tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu; trong đó, tiêu hủy chỉ cần đốt là xong, nhưng tốn kém lớn và chưa chắc đã ngăn chặn được tình trạng buôn lậu thuốc lá; còn muốn tái xuất thì phải nghiên cứu kỹ tính khả thi.

Cần biện pháp mạnh để răn đe 

Báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), tính từ ngày 1/10/2014 đến 30/6/2016, lực lượng chức năng của 6 địa phương trọng điểm phía Nam (gồm Long An, Tây Ninh, An Giang, Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp) đã xử lý 15.363 vụ, số lượng thuốc lá bắt giữ gồm 11.390.366 bao, khởi tố hình sự 372 vụ. 

Ông Võ Thiện Ngộ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An cho biết: Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ, quy định hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu số lượng từ 500 bao trở lên thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

Long An luôn được xem là điểm nóng của vấn nạn vận chuyển hàng lậu từ bên kia biên giới vào nội địa, chuyển về tiêu thụ chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu chạy bạt mạng trên đường Tỉnh lộ 825, đoạn qua xã Đức Hòa Thượng (huyện Đức Hòa, Long An). Ảnh: Trường Giang-TTXVN

Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 36/2012/BCT-BCA-BYT-VKSNDTC-TANDTC do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, quy định số lượng từ 1.500 bao trở lên mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Chính vì sự chồng chéo này, mà hiện nay việc bắt giữ các đối tượng vận chuyển 500 bao thuốc lá điếu trở lên vẫn chưa thể khởi tố hình sự nên không đủ sức răn đe. 

Lý giải nguyên nhân khó quản lý việc kinh doanh thuốc lá nhập lậu trên thị trường, ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho hay, Luật Đầu tư 2014, có hiệu lực từ 1/7/2015, quy định kinh doanh sản phẩm thuốc lá là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã gây hiểu nhầm rằng kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu là ngành nghề có điều kiện và tạo khó khăn trong công tác xử lý hình sự đối với kinh doanh thuốc lá nhập lậu trên thực tiễn.

Bên cạnh đó, mặt hàng thuốc lá nhập lậu cũng được quy định là hàng cấm kinh doanh theo Nghị định 43/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại.

Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cần phải có đề án kiểm soát bán lẻ thuốc lá, đồng thời tăng cường giải pháp quản lý lưu thông, phân phối, bán buôn mặt này trên thị trường nội địa.

Song song đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân; trong đó, có cả đối tượng đã tiêu dùng và chưa sử dụng thấy được tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá nhập lậu. Bởi nếu nâng cao nhận thức tiêu dùng của người dân, họ sẽ chú trọng hơn đến vấn đề sức khỏe, từ đó giảm cầu thì cung cũng sẽ giảm theo, đây mới là biện pháp căn cơ nhất.

Để công tác chống buôn lậu thuốc lá đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị, nên xây dựng quy chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng; trong đó, mỗi đơn vị được xác định nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể.

Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cần chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 19/2015/TT-BTC, ngày 3/2/2015 theo hướng mở rộng các quy định chi hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Các đối tượng buôn lậu thường thuê người dân nghèo sống gần khu vực biên giới Hà Tiên - Kiên Giang để chở hàng, chủ yếu là đường cát và thuốc lá, qua các đường tiểu ngạch. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Về vấn đề gốc và cốt lõi khiến buôn lậu thuốc lá gia tăng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, một phần do đời sống nhân dân vùng biên giới rất khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định. Vì vậy, lãnh đạo UBND các địa phương muốn hạn chế được buôn lậu thuốc lá cần có giải pháp tổng thể để giải quyết tận ngọn việc cư dân biên giới tham gia vận chuyển, tiếp tay cho các đầu nậu buôn lậu thuốc lá.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng gian, hàng giả; trong đó, có buôn lậu thuốc lá.

Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu thuốc lá từ trước đến nay vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng xã hội. Địa phương nào để tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp và nhức nhối trong thời gian dài mà không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân không tham gia buôn lậu thuốc lá, chính quyền địa phương phải phát huy vai trò chủ động, phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh, thành phố lân cận, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân ổn định đời sống./.

Bài 1: Buôn lậu thuốc lá bùng phát tại khu vực phía Nam - Bài 1: Thủ đoạn tinh vi, manh động

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục