Siết chặt quản lý hàng giả trên thương mại điện tử

15:51' - 21/11/2023
BNEWS Chống gian lận thương mại, hàng giả trên mạng cần phải có giải pháp công nghệ cụ thể, để định danh, xác định người mua, người bán, người vận chuyển, sản phẩm hàng hóa...nhằm phòng ngừa rủi ro.

Kể từ khi dịch COVID- 19 bùng phát, nhất là trong năm 2023, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, dẫn đến các cơ sở phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để chuyển dịch hình thức kinh doanh sang online. Nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.

Bên cạnh những cơ hội, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Bởi, hiện nay hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Trước thực tế này, ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

Đề án do Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia cùng các đơn vị chức năng liên quan xây dựng và trình Chính phủ bán hành góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến. Mặt khác, bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, thương mại điện tử đã và đang trở thành xu hướng tiêu dùng của cả thế giới, nhất là từ sau dịch COVID-19. Nhận thức được vai trò cũng như tầm quan trọng của thương mại điện tử trong phát triển kinh tế, từ nhiều năm trước, nhà trường đã đưa nội dung này vào quá trình giảng dạy. Đặc biệt, kể từ khi Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở chuyên ngành quản lý thị trường, thì thương mại điện tử là một trong những nội dung được nhà trường chú trọng.

“Thương mại điện tử là xu thế tất yếu bởi những lợi ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, bên cạnh đó đã phát sinh nhiều bất cập trong đó nổi bật là việc trà trộn kinh doanh các mặt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ”, ông Nguyễn Thành Hiếu cho hay.

Theo ông Trần Hữu Linh- Tổng cục Quản lý thị trường, thương mại điện tử bùng nổ, bên cạnh sự tích cực đã phát sinh những hành vi vi phạm mới, do vậy, Đề án 319 là thực sự cần thiết và rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay, bởi hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng kiểm tra đã khó, hàng giả bán trên thương mại điện tử nên khó khăn thách thức tăng lên gấp nhiều lần. 

Cũng theo ông Trần Hữu Linh, hiện nay, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, dẫn đến các cơ sở phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để chuyển dịch hình thức kinh doanh sang online. Người tiêu dùng ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào, không phân biệt thành thị hay miền núi đều có thể trở thành người kinh doanh, buôn bán và dễ dàng đặt mua hàng hóa.

Dẫn số liệu cụ thể, ông Linh cho biết, nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD, đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Linh cũng chỉ ra rằng, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Do vậy, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên môi trường mạng, lãnh đạo Tổng cục cho rằng, cần phải có nguồn nhân lực, nhất là công cụ, phương pháp phù hợp chứ không thể “tay không bắt giặc”.

Bởi, theo ông Trần Hữu Linh, nếu không có những chế tài phù hợp, online sẽ trở thành nơi tàng trữ, phân phối, buôn bán hàng giả, từ đó làm giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Do vậy Diễn đàn lần này các đại biểu, diễn giả, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng phải đưa ra được những "tấm khiên", những công cụ hữu hiệu trong phòng, chống hàng giả.

"Chống gian lận thương mại, hàng giả trên mạng cần phải có giải pháp công nghệ cụ thể, để định danh, xác định được người mua, người bán, người vận chuyển, sản phẩm hàng hóa... từ đó góp phần phòng ngừa các rủi ro" - Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Mới đây, Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) đã chủ trì, phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an kiểm tra điểm tập kết bán hàng của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tuyến tại thôn Ngân Hạnh, xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện điểm tập kết đang kinh doanh lượng lớn quần áo, váy nữ các loại không có nhãn mác thể hiện nguồn gốc của hàng hóa. Cùng đó, trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra cũng phát hiện hộ kinh doanh này đang bày bán kinh doanh gần 100 lọ kem tẩy da chết nhãn hiệu Dove.

Tại thời điểm kiểm tra, người đại diện hộ kinh doanh không xuất trình được hoá đơn chứng từ hợp pháp theo quy định, đồng thời khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên mua trôi nổi trên thị trường. Theo khai nhận của đại diện hộ kinh doanh, toàn bộ hàng hóa tại đây được chủ cơ sở bán trên các nền tảng mạng xã hội bằng hình thức livestream trên Facebook và vận chuyển đến người tiêu dùng thông qua đơn vị vận chuyển J&T.

Không chỉ bán lẻ, cơ sở này còn đổ sỉ cho khách hàng mua online. Theo thống kê sơ bộ của chủ cơ sở, trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 700 đơn hàng, mỗi đơn hàng có giá trị từ 99.000 đồng đến vài triệu đồng. Hiện tại, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành tạm giữ gần 2.300 sản phẩm gồm quần áo, mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xử lý theo quy định. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm bị tạm giữ gần 144 triệu đồng.

Ông Trần Hữu Linh cho biết: Trong năm 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường cả nước sẽ xây dựng các chương trình kiểm tra, kiểm soát lớn; tập trung vào các địa bàn trọng tâm, các mặt hàng trọng điểm.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng, Tổng cục Quản lý thị trường khuyến cáo các cá nhân, tổ chức và người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là qua thương mại điện tử. 

Đồng tình với quan điểm này này, ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, song rất nhiều người tiêu dùng gặp trở ngại khi mua sắm online.

Đó là việc chất lượng hàng hóa kém hơn so với quảng cáo; giá cả thường cao hơn so với việc mua bán trực tiếp; chi phí vận chuyển cao; đặt hàng rắc rối; lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ; dịch vụ chăm sóc khách hàng kém...

Theo ông Lê Đức Anh, trong những năm qua, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực để hoàn thiện hạ tầng, khung pháp lý và chính sách phát triển thương mại điện tử và kinh tế số.

Mới nhất, trong năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trong đó, bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, hệ sinh thái số sẽ góp phần bảo vệ nhãn hàng trên môi trường trực tuyến, đảm bảo giao dịch trong thương mại điện tử, giải quyết khiếu nại tranh chấp, xác thực và định danh chủ thể trong thương mại điện tử... Qua đó, kỳ vọng, hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả việc đấu tranh, phòng chống hàng giả trên môi trường mạng.

Đưa ra giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững, ông Nguyễn Bình Minh - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) kiến nghị các giải pháp về kinh doanh thương mại điện tử có trách nhiệm, hàng hóa có chất lượng và có truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường; đào tạo kiến thức thương mại điện tử bền vững cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phối hợp nhiều công cụ số, phát triển các nền tảng kinh doanh số; đẩy mạnh chuyển đổi số các địa phương, thu hẹp khoảng các giãn cách số giữa các khu vực; hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường mạng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục