Siết xuất xứ, chặn trung chuyển trá hình

17:19' - 10/04/2025
BNEWS Việc xác định xuất xứ hàng hóa đóng vai trò then chốt trong chính sách thương mại của các quốc gia, vì đây là cơ sở để các nước áp dụng chính sách thương mại với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và áp lực ngày càng gia tăng từ chính sách thương mại của Hoa Kỳ, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng, quy tắc xuất xứ (Rules of Origin - ROO) đã trở thành thách thức lớn với doanh nghiệp.

Do đó, đây là thời điểm trấn áp mạnh hơn tình trạng gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, bị lợi dụng thành điểm trung chuyển hàng xuất khẩu giả sang nước thứ ba nhằm né thuế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cũng khẳng định: “Thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động, cầu thị và phối hợp mạnh mẽ với phía Hoa Kỳ để đàm phán thuế một cách công bằng, chống vấn đề trung chuyển hàng hóa, đẩy mạnh thương mại hai chiều theo hướng cả hai cùng có lợi”.

* Minh bạch nguồn gốc

Thông tin về việc áp dụng quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo Điều 3(b) Hiệp định về quy tắc xuất xứ của WTO, “một nước được xác định là nước xuất xứ của hàng hóa nếu hàng hóa hoàn toàn sản xuất ra ở nước đó hoặc khi nhiều nước cùng tham gia quá trình sản xuất, nước xuất xứ là nước thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng”.

Việc xác định xuất xứ hàng hóa đóng vai trò then chốt trong chính sách thương mại của các quốc gia, vì đây là cơ sở để các nước áp dụng chính sách thương mại với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Quy tắc xuất xứ được xây dựng để đảm bảo đúng hàng hóa có xuất xứ mới được hưởng thuế quan theo từng khuôn khổ cam kết mà các nước dành cho nhau.

Chẳng hạn một lô hàng quần áo gắn nhãn “Made in Viet Nam” chưa chắc đã có Giấy chứng nhận xuất xứ (hay còn gọi là C/O) của Việt Nam và ngược lại, một lô hàng quần áo xuất khẩu có C/O của Việt Nam nhưng có thể lại không hề gắn mác “Made in Viet Nam”.

Thời gian qua, Cục Xuất nhập khẩu đã tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tạo môi trường để các tổ chức cấp C/O, cũng như doanh nghiệp có quy định cụ thể và minh bạch trong lĩnh vực xuất xứ; trong đó, chế tài xử phạt hành vi gian lận xuất xứ rất được chú trọng. Cùng đó, Cục Xuất nhập khẩu thường xuyên phối hợp với các tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, đồng thời kiểm tra, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu khi có đề nghị xác minh xuất xứ. Việc này nhằm phát hiện trường hợp hàng hóa gia công đơn giản tại Việt Nam, mượn xuất xứ để hưởng ưu đãi. Ngược lại, trong trường hợp hàng hóa đáp ứng xuất xứ, Cục Xuất nhập khẩu hỗ trợ xác minh xuất xứ để C/O được chấp nhận, hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chú trọng việc tham vấn, đàm phán quy tắc xuất xứ phù hợp với quy trình sản xuất, thực tế doanh nghiệp Việt Nam, cải cách thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ đề nghị cấp C/O trên môi trường trực tuyến, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý, trả lời vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất xứ.

 
Xếp dỡ hàng hóa container tại một cảng biển Việt Nam. Ảnh: TTXVN
* Doanh nghiệp vào cuộc

Đánh giá về thách thức cho doanh nghiệp trước chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, các chuyên gia nhấn mạnh việc quy tắc xuất xứ sẽ khắt khe hơn, yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa cao hơn cho hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Điều này có thể gây khó khăn cho các ngành hàng của Việt Nam và tăng chi phí sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.

Bởi vậy, điều doanh nghiệp cần làm là đảm bảo tuân thủ quy định về xuất xứ, theo dõi nguồn gốc hàng hóa, qua đó cũng tạo cơ hội cho nguyên vật liệu từ Việt Nam. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh cải thiện chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường, thích ứng với yêu cầu mới từ chính sách của Hoa Kỳ, nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia Quản lý chuỗi cung ứng và logistics cho rằng: Khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam chứng minh được tính nguyên bản của sản phẩm và phân biệt với các sản phẩm của nước khác. Điều này đặc biệt quan trọng khi Hoa Kỳ và thị trường toàn cầu khác ngày càng giám sát chặt chẽ hơn với hoạt động trung chuyển, nơi hàng hóa được đóng gói lại hoặc dán nhãn lại tại Việt Nam để tránh thuế sản phẩm từ nước thứ 3.

Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng từng công bố danh sách cảnh báo sớm đối với 17 mã ngành hàng sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ có nguy cơ điều tra về phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Ông Nguyễn Thường Lạng- giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) lưu ý: Hoa Kỳ đã có hệ thống giám sát thương mại rất chặt chẽ và sở hữu đầy đủ các công cụ pháp lý để xử lý hành vi lẩn tránh thuế hoặc gian lận xuất xứ.

Theo quy định hiện hành, nếu phát hiện trường hợp trung chuyển hàng hóa hoặc giả mạo xuất xứ nhằm né thuế phòng vệ thương mại, Hoa Kỳ có thể áp dụng mức thuế trừng phạt lên đến 540% – một mức thuế đủ sức triệt tiêu lợi thế cạnh tranh của hàng hóa liên quan. Đây là rủi ro mà doanh nghiệp Việt Nam cần nhận diện rõ ràng và có phương án phòng ngừa phù hợp.

Để giảm thiểu nguy cơ bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp thuế trừng phạt, ông Nguyễn Thường Lạng cho rằng: Việt Nam cần tăng cường minh bạch hóa quy trình sản xuất và đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa cao hơn trong hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng, đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam với giá trị gia tăng nội địa đủ lớn để không bị xếp vào nhóm hàng hóa có xuất xứ từ nước thứ 3.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể khuyến khích đầu tư từ nước thứ 3 theo hướng sản xuất ngay tại Việt Nam thay vì chỉ nhập khẩu linh kiện và nguyên liệu đầu vào. Việc này sẽ giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng giá trị sản xuất trong nước và giảm thiểu nguy cơ bị Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp chống lẩn tránh thuế.

Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu tại Hải Dương chia sẻ: Công ty đã xuất khẩu hàng nội thất sang Hoa Kỳ đã hơn 10 năm nhưng gần đây phải cẩn trọng hơn trong việc chuẩn bị hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Bởi, mặc dù sản phẩm tự thiết kế và sản xuất, gỗ mua ở Yên Bái, sơn mua từ Bắc Ninh nhưng gần đây đối tác vẫn cần thêm bằng chứng tất cả làm ở Việt Nam. Nguyên nhân do đối tác nghi Việt Nam là nơi lẩn tránh thuế quan từ nước thứ ba. Chính vì vậy, bên cạnh giải pháp then chốt là phải chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không ít doanh nghiệp Hải Dương đã bước đầu áp dụng nhật ký điện tử để theo dõi toàn bộ quá trình từ nhập nguyên liệu đến chế biến, nhất là kiểm soát đầu vào chặt chẽ ngay từ đầu.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, xuất xứ hàng hóa vừa giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ FTA nhưng cũng là công cụ phòng chống gian lận, bảo vệ nền sản xuất trong nước. Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ tiến hành báo cáo Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 31 cho phù hợp với những diễn biến trong thời gian qua, đáp ứng nhu cầu phòng chống gian lận cũng như thúc đẩy hoạt động về xuất xứ hàng hóa thời gian tới. Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ tiến hành tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về xuất xứ hàng hóa.

“Có thể nói, lĩnh vực xuất xứ hàng hóa khá kỹ thuật, đòi hỏi nhận thức cũng như kiến thức, kỹ năng… của doanh nghiệp. Cùng với việc tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, Bộ Công Thương sẽ xây dựng website riêng về vấn đề xuất xứ hàng hóa qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp”, Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đưa lĩnh vực cấp giấy chứng nhận về xuất xứ hàng hóa lên môi trường trực tuyến giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian cấp giấy phép về xuất xứ hàng hóa. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát dù lực lượng của cơ quan quản lý nhà nước mỏng nhưng các đơn vị trong Bộ liên tục phối hợp với các bộ, ngành và đối tác nước ngoài kiểm tra xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh mới nên tới đây Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhân lực, bộ máy để làm tốt công việc này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục