"Siêu chu kỳ đầu tư vốn" của nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab

11:02' - 17/08/2024
BNEWS Goldman Sachs cho hay Saudi Arabia - nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab - dự kiến sẽ rót khoảng 73% trong tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các ngành phi dầu mỏ.
Trong một báo cáo vừa công bố, ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs của Mỹ cho biết, Saudi Arabia dự kiến sẽ đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế vào năm 2030. Theo đó, quốc gia Trung Đông này sẽ chi tiêu ít hơn cho ngành dầu khí, để ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực phi dầu mỏ nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.

Goldman Sachs cho hay, trong cái gọi là "siêu chu kỳ đầu tư vốn", Saudi Arabia - nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab - dự kiến sẽ rót khoảng 73% trong tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các ngành phi dầu mỏ, so với ước tính trước đó là 66%. Báo cáo của Goldman Sachs chỉ ra rằng đầu tư cho tất cả các hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn của ngành dầu khí, nguồn thu lớn nhất của Saudi Arabia, sẽ giảm 40 tỷ USD xuống còn khoảng 280 tỷ USD. Đặc biệt, Goldman Sachs đã hạ dự báo mức đầu tư tiềm năng vào các hoạt động thượng nguồn trong ngành dầu khí của Saudi Arabia xuống khoảng 190-220 tỷ USD, từ mức 230-260 tỷ USD được ước tính trước đó.

Tuy nhiên, ông Faisal Al Azmeh, Giám đốc bộ phận nghiên cứu vốn chủ sở hữu khu vực Trung-Đông Âu, Trung Đông và châu Phi tại Goldman Sachs, nhận xét khí đốt tự nhiên sẽ vẫn là "yếu tố đóng góp chính cho các kế hoạch phi carbon hóa, phát triển kinh tế và đa dạng hóa của Saudi Arabia". Nguồn vốn rót vào các lĩnh vực năng lượng sạch, bao gồm năng lượng tái tạo, hydro sạch và thu giữ carbon, dự kiến sẽ vào khoảng 235 tỷ USD, tăng gần 60% so với dự báo trước đó là 148 tỷ USD.

 
Saudi Arabia, quốc gia đang đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào ngành dầu mỏ theo một chương trình chuyển đổi toàn diện, đã đưa ra các cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Nước này đang mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp và đặt mục tiêu thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào một số đại dự án đang được thực hiện thuộc khuôn khổ kế hoạch "Tầm nhìn 2030".

Ngành năng lượng của Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cũng đang nhanh chóng chuyển sang các hình thức năng lượng sạch hơn và các giải pháp thân thiện với môi trường, giữa lúc thế giới đang hướng tới tương lai carbon thấp và tập trung vào các mục tiêu phát triển bền vững. Saudi Arabia đang hướng tới mục tiệu trung hòa carbon vào năm 2060. Tập đoàn năng lượng Saudi Aramco của Saudi Arabia đang tham gia vào các nỗ lực này, đồng thời cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Goldman Sachs cho biết ba lĩnh vực đóng vai trò then chốt trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của Saudi Arabia là kim loại-khai khoáng, số hóa, và vận tải - logistics dự kiến sẽ lần lượt nhận được nguồn đầu tư 170 tỷ USD, 164 tỷ USD và 200 tỷ USD vào năm 2030. Saudi Arabia có kế hoạch cấp hơn 30 giấy phép thăm dò khai khoáng trong năm 2024. Nước này cũng đang tìm cách trở thành trung tâm hậu cần toàn cầu và điểm đến du lịch quốc tế. Chiến lược Hàng không Quốc gia của Saudi Arabia đặt mục tiêu thu hút hơn 100 tỷ USD đầu tư vào ngành hàng không.

Với giá dầu dao động trong khoảng 80-85 USD/thùng và sản lượng giảm xuống còn 9 triệu thùng/ngày, Saudi Arabia đang phải chịu áp lực lớn về thu ngân sách. Theo ước tính của Goldman Sachs, thâm hụt ngân sách của nước này sẽ tăng lên 4,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay, từ mức 2% GDP ghi nhận trong năm ngoái.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục