Singapore có thể nới lỏng thêm chính sách tiền tệ sau động thái áp thuế của Mỹ

10:38' - 11/04/2025
BNEWS Cơ quan Tiền tệ Singapore dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa áp mức thuế cao nhất trong một thế kỷ qua.
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS)- được coi là ngân hàng trung ương của nước này- dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa áp mức thuế cao nhất trong một thế kỷ qua, đe dọa làm gián đoạn thương mại toàn cầu và làm dấy lên nguy cơ trả đũa từ các nền kinh tế khác.

Toàn bộ 14 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát mới đây của Bloomberg đều dự đoán MAS sẽ điều chỉnh giảm độ dốc của biên độ tỷ giá chính sách của đồng đôla Singapore (S$NEER) vào ngày 14/4 tới. MAS sử dụng tỷ giá hối đoái thay vì lãi suất để điều tiết lạm phát.

 
Mặc dù đồng USD đã tăng giá so với nhiều đồng tiền châu Á sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái, xu hướng này đã trở nên phức tạp hơn trong tháng vừa qua. Các nhà đầu tư đang bán tháo tài sản Mỹ sau khi mức thuế được công bố cao hơn dự đoán, trong khi đồng đôla Singapore (SGD) đã tăng khoảng 1,8% so với USD tính từ đầu năm đến nay.

Ông Khoon Goh – trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Ngân hàng ANZ nói:  “Triển vọng kinh tế toàn cầu đã xấu đi đáng kể”. Ông dự đoán MAS sẽ đưa độ dốc biên độ tỷ giá chính sách về mức 0%. Ông nói thêm: “Lạm phát cơ bản dự kiến vẫn thấp hơn mức trung bình dài hạn, vì vậy MAS giờ đang tập trung hoàn toàn vào tăng trưởng”.

Singapore (Xin-ga-po)– dù chỉ chịu mức thuế mới 10% từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc – vẫn đang đối mặt với rủi ro lớn do nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cảnh báo tăng trưởng năm nay sẽ bị “ảnh hưởng nghiêm trọng”, và nguy cơ suy thoái là có thật.

Trước diễn biến này, Citigroup cho rằng MAS có thể hành động quyết liệt hơn trong kỳ điều chỉnh sắp tới, dù vẫn duy trì dự báo ban đầu là giảm độ dốc biên độ tỷ giá chính sách 0,50 điểm phần trăm.

Một lựa chọn khác mà MAS có thể cân nhắc là điều chỉnh biên độ tỷ giá chính sách theo hướng giảm, qua đó cho phép đồng tiền giảm giá mạnh hơn.

UBS ước tính mức độ ảnh hưởng từ các biện pháp thuế mới sẽ nặng nề nhất đối với Thái Lan và Singapore, tiếp theo là Malaysia, Indonesia và Philippines. Bà Johanna Chua từ ngân hàng Citi Group, dựa trên dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho biết gần 7% GDP của Singapore phụ thuộc vào chi tiêu của Mỹ – tỷ lệ cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Điều này khiến Singapore đặc biệt nhạy cảm với chính sách thuế nhập khẩu mới của Mỹ.

Đánh giá này được đưa ra trước khi ông Trump tuyên bố tạm hoãn việc tăng thuế trong 90 ngày cho nhiều quốc gia, đồng thời nâng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%.

MAS đã nới lỏng chính sách tiền tệ hồi tháng 1/2025 – lần đầu tiên trong vòng 5 năm – và lập luận hỗ trợ tăng trưởng hiện nay càng thêm thuyết phục sau các động thái áp thuế và biến động trên thị trường toàn cầu.

Bà Selena Ling – Giám đốc nghiên cứu và chiến lược tại Ngân hàng OCBC (Oversea-Chinese Banking Corp) nói: “Câu hỏi đặt ra là MAS sẽ giảm độ dốc biên độ tỷ giá chính sách đến mức nào? Trước nay, MAS chưa bao giờ đưa độ dốc biên độ tỷ giá chính sách về 0% chỉ trong một lần điều chỉnh, nên điều này có thể khiến thị trường lo ngại. Khi các yếu tố bất ổn từ kinh tế và thương mại bên ngoài vẫn còn, cách tiếp cận từng bước và thận trọng có thể là lựa chọn hợp lý”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục