Singapore công bố Chiến lược thu hồi tài sản quốc gia

07:10' - 28/06/2024
BNEWS Singapore vừa công bố Chiến lược thu hồi tài sản quốc gia (NARS), đưa ra cách tiếp cận toàn diện trong thu hồi tài sản bất hợp pháp từ tay tội phạm, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.

Singapore vừa công bố Chiến lược thu hồi tài sản quốc gia (NARS), đưa ra cách tiếp cận toàn diện đối với việc thu hồi các khoản tiền và tài sản bất hợp pháp từ tay tội phạm cũng như việc tịch thu các tài sản này hoặc trả lại cho người bị hại.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, chiến lược mới của Singapore được Thủ tướng Lawrence Wong công bố ngày 26/6 tại lễ khai mạc phiên họp toàn thể của Lực lượng Đặc trách hành động tài chính (FATF) diễn ra tại Singapore và là một phần trong các nỗ lực của không ngừng của Singapore nhằm tăng cường cơ chế chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (AML/CFT).

 

Chiến lược NARS của Singapore sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính, gồm phát hiện các hoạt động tội phạm và đáng ngờ bằng cách truy dấu các khoản tiền bất hợp pháp; thu hồi số tiền bất chính của tội phạm thông qua việc bắt giữ và tịch thu ngay lập tức; tối đa hóa việc thu hồi tài sản để sung công hoặc trả cho người bị hại và ngăn ngừa việc tội phạm sử dụng Singapore để ẩn náu, di chuyển hoặc hưởng thụ tài sản bất hợp pháp.

Theo thông cáo báo chí do Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), thu hồi tài sản là một trong những trụ cột chính của cơ chế chống rửa tiền của Singapore. Cơ chế này giúp ngăn chặn dòng tài sản bất hợp pháp chảy qua hệ sinh thái tài chính của Singapore, đồng thời vẫn chào đón các doanh nghiệp hợp pháp. Từ tháng 1/2019-6/2024, Singapore đã tịch thu 6 tỷ đôla Singapore (SGD), tương đương 4,4 tỷ USD, liên quan đến các hoạt động tội phạm và rửa tiền, trong đó 416 triệu SGD đã được trả lại cho nạn nhân và 1 tỷ SGD được sung công quỹ nhà nước.

Singapore đánh giá, trên phạm vi toàn cầu, các hoạt động rửa tiền ngày càng phức tạp, liên quan đến sự di chuyển nhanh chóng của những khoản tiền lớn bất hợp pháp qua các khu vực pháp lý khác nhau và ảnh hưởng đến một số lượng đáng kể nạn nhân. Cụ thể ở Singapore, một tỷ lệ lớn các vụ rửa tiền ở đây có tính chất xuyên quốc gia, liên quan đến tội phạm nguồn gốc nước ngoài và các tập đoàn tội phạm nước ngoài sử dụng các phương pháp tinh vi và phức tạp, bao gồm các thủ đoạn phân lớp và công nghệ kỹ thuật số, để che giấu việc di chuyển các dòng tiền bất hợp pháp xuyên biên giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục