Singapore đứng đầu bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu

07:30' - 26/06/2024
BNEWS Mới đây, Viện phát triển quản lý quốc tế - Trường kinh doanh Thụy Sỹ – công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh Thế giới (WCR) năm 2024.
Theo đó, WCR đã xếp Singapore dẫn đầu trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu một phần nhờ vào tình trạng minh bạch tài chính, Thụy Sỹ và Đan Mạch là những quốc gia đứng tiếp theo trong danh sách 67 quốc gia khảo sát.Trong khi đó, Malaysia là quốc gia có mức độ cạnh tranh cao thứ 34 trên thế giới, tụt 7 bậc so với năm ngoái khi nước này đứng ở vị trí thứ 27. Theo học giả John Antony Xavier, để cải thiện khả năng cạnh tranh, Chính phủ Malaysia sẽ phải tăng gấp đôi nỗ lực cải thiện năng suất, vốn được xem là bản chất của khả năng cạnh tranh. Năm chiến lược như sau:

Đầu tiên là các chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn. Trong khi Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý chính sách tiền tệ thì Đạo luật trách nhiệm tài chính và tài chính công năm 2023 sẽ giúp chính phủ quản lý tốt hơn việc thâm hụt ngân sách và nợ công. Cả hai đều là chỉ số chính trong WCR.

Thâm hụt ngân sách dự kiến ở mức 4,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm nay và nợ công đã chạm mức giới hạn theo luật định là 65% GDP.
 
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 và đại dịch COVID-19 năm 2029 đã khiến chính phủ phải vay tiền để bơm thanh khoản nhằm duy trì hoạt động của nền kinh tế. Các khoản trợ cấp có mục tiêu sẽ tiết kiệm được số tiền có thể được sử dụng để giảm thâm hụt và khoản nợ.

Thứ hai, năng suất của các doanh nghiệp được nâng cao khi các doanh nghiệp, nhà cung cấp, tổ chức chuyên môn và các ngành liên quan khác được kết nối với nhau ở cùng một vị trí địa lý. Bằng cách cùng định vị trong các cụm, các công ty sẽ giảm chi phí nhờ có sự gần gũi với những nguồn lực, hậu cần và các dịch vụ liên quan. Ngoài ra, cạnh tranh nội bộ thúc đẩy tăng năng suất.

Quy hoạch tổng thể công nghiệp mới 2030 ưu tiên phát triển cụm công nghiệp như nền tảng cho tăng trưởng công nghiệp. Do đó, có thể hy vọng cải thiện khả năng cạnh tranh quốc gia một khi việc phát triển cụm ngành trở nên bắt buộc đối với phát triển công nghiệp.

Thứ ba, Malaysia phải tiếp tục tích cực phát triển hệ sinh thái thân thiện với doanh nghiệp để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Malaysia đã trải qua mức tăng trưởng FDI đáng kinh ngạc 23% vào năm 2023 so với năm 2022. Sự gia tăng này sẽ kích thích sự cạnh tranh giữa các công ty và do đó tăng năng suất.

Thứ tư, thực hiện cải cách cơ cấu về thuế, trợ cấp và thị trường lao động là rất quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng cạnh tranh.

Khoảng cách tài năng phải được thu hẹp. Chỉ 25% lực lượng lao động của Malaysia có tay nghề cao và 42% sinh viên tốt nghiệp làm những công việc không liên quan đến bằng cấp của họ.

Cải cách thị trường lao động cho phép giờ làm linh hoạt, tuyển dụng và sa thải dễ dàng hơn, nâng cao kỹ năng thông qua học tập dựa trên công việc và mức lương hấp dẫn phù hợp với kỹ năng sẽ giúp các công ty thu hút và giữ chân nhân tài. Những cải cách này cũng sẽ khuyến khích 49% học sinh không muốn tiếp thục theo học sẽ học tiếp chương trình giáo dục đại học và do đó có thể mở rộng nguồn nhân tài của đất nước.

Thứ năm, sự ổn định chính trị, bất chấp tranh chấp chính trị, và quản trị tốt cần đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi để nâng cao khả năng cạnh tranh. Mặc dù Malaysia đã cải thiện chỉ số tham nhũng từ vị trí thứ 61 vào năm 2019 lên vị trí thứ 57 hiện nay trong số 180 quốc gia và Ủy ban Chống tham nhũng của Malaysia đang trong cuộc chiến chống tham nhũng nhưng vẫn cần phải làm nhiều việc hơn nữa.

Bên cạnh đó, sự đổi mới cũng củng cố việc cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh. Các nền kinh tế đổi mới hàng đầu như Mỹ, Hàn Quốc và Đức là những nền kinh tế có tính cạnh tranh cao. Họ chi gấp đôi hoặc gấp ba số tiền tính theo phần trăm GDP, cho nghiên cứu và phát triển so với con số 1% mà Malaysia đã và đang chi tiêu.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm 97% tổng số cơ sở kinh doanh ở Malaysia sẽ được hưởng lợi từ công nghệ kỹ thuật số để cải thiện năng suất và đóng góp vào khả năng cạnh tranh của quốc gia.

Một nghiên cứu năm 2021 của Hiệp hội Đại học Malaysia cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tăng năng suất lên 23% nhờ sử dụng mạng xã hội. Hoạt động thương mại điện tử đã làm tăng năng suất 27% trong khi số hóa các hoạt động phụ trợ, chẳng hạn như quản lý dữ liệu, đã tăng năng suất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lên tới 60%. Tuy nhiên, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ ở mức dưới chuẩn, chỉ có khoảng 80% trong số họ đang ở giai đoạn số hóa mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục