Singapore và Malaysia hợp tác kinh tế xuyên biên giới thông qua đường sắt

06:30' - 22/07/2024
BNEWS Singapore và bang Johor phía Nam Malaysia đang tăng cường hợp tác kinh tế xuyên biên giới thông qua một tuyến đường sắt chở khách sắp ra mắt và phát triển một đặc khu kinh tế rộng lớn.

Dự án đường sắt Hệ thống Vận tải Nhanh (RTS) đã hoàn thiện khoảng 80% và dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2026. Về cơ bản, đây là tuyến đưa đón giữa hai ga, tuy chỉ dài 4 km, nhưng sẽ giúp giảm bớt tắc nghẽn tại các cửa khẩu biên giới.

 

Toàn bộ thủ tục nhập cảnh - bao gồm quá trình xuất cảnh và nhập cảnh từ cả hai nước - có thể được hoàn thành tại ga khởi hành, nghĩa là hành khách có thể rời ga đến mà không cần thực hiện thêm thủ tục nào.

Công suất của tuyến sẽ là 10.000 hành khách/giờ từ mỗi hướng. Về phía Singapore, hành khách có thể tiếp tục di chuyển bằng mạng lưới tàu điện ngầm hiện có tại ga đến.

Hiện nay, cách thức đi lại giữa Singapore và Malaysia chủ yếu bằng phương tiện cơ giới qua đường cầu hoặc đường bộ. Khi ngày càng có nhiều người từ Malaysia sang đi làm tại Singapore, vấn đề tắc nghẽn càng trở nên trầm trọng hơn. Dự án đường sắt RTS dự kiến sẽ giúp giảm bớt tình trạng này.

Bên cạnh đó, Singapore và Malaysia hồi tháng 1/2024 cũng đã đồng ý ký một biên bản ghi nhớ về cùng phát triển Đặc khu kinh tế Johor- Singapore. Mặc dù các chi tiết vẫn đang được thảo luận nhưng khu vực được thành lập ở Johor sẽ có diện tích 3.500 km2, gấp hơn 4 lần diện tích của Singapore.

Đặc khu trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các lĩnh vực như logistics, chăm sóc y tế và dịch vụ tài chính. Chính phủ các nước cũng đang xem xét đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa, miễn yêu cầu về hộ chiếu và thực hiện các ưu đãi về thuế.

Đối với các công ty Singapore đang phải gánh chịu chi phí cao, diện tích lớn và lao động giá rẻ của Johor rất hấp dẫn. Ngoài ra, giới quan sát cũng hy vọng rằng hai quốc gia hợp tác sẽ tăng cường thu hút các công ty nước ngoài đến khu vực này.

Bà Julia Goh, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng United Oversea Bank cho biết, hiệu quả của việc cải thiện khả năng kết nối giữa hai nước sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động ở Singapore, đồng thời giúp tăng thu nhập cho lao động ở Johor. Điều này là vì các công ty có thể cung cấp việc làm đặt trụ sở tại Johor nhưng trả lương theo tỷ lệ của Singapore.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục