Số ca nhiễm COVID-19 tại Campuchia tăng cao sau ngày đầu phong tỏa

20:33' - 15/04/2021
BNEWS Bất chấp lệnh phong tỏa đã có hiệu lực, trong ngày 15/4, Campuchia ghi nhận 344 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 5.218 ca.

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, ngày 15/4, Chính phủ Campuchia thông báo lệnh đóng cửa 14 ngày một số nhà máy dệt may tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao (tỉnh Kandal) trong nỗ lực nhằm chặn đứng đà lây lan của dịch COVID-19.

Trước đó, chính phủ đã ban bố lệnh phong tỏa Phnom Penh.

Đô trưởng Phnom Penh, ông Khuong Sreng thông báo cùng ngày rằng chính quyền thủ đô đã quyết định đóng cửa 14 ngày tất cả các nhà máy để ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 lây lan.

Cùng lúc, Tỉnh trưởng tỉnh Kandal, ông Kong Sophorn cũng cho biết chính quyền tỉnh này đã tổ chức thanh tra và đóng cửa bất kỳ nhà máy nào được cho là có nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho các công nhân để phòng bùng phát dịch.

Theo báo cáo của chính quyền tỉnh Kandal, trong những ngày qua, có thêm nhiều công nhân dệt may bị phát hiện nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, đặc biệt là nhà máy dệt may Din Han ở phường Stung Meanchey, quận Meanchey.

Cho đến nay, đã có hơn 600 công nhân có xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Cũng trong ngày 15/4, Bộ Thương mại và Hiệp hội Lúa gạo Campuchia ra thông báo đảm bảo lượng cung ứng lúa gạo dồi dào của nước này, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong hai tuần thực hiện phong tỏa thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao.

Thông báo chung nhấn mạnh: “Người dân không nên lo lắng về khả năng giá gạo tăng cao. Campuchia có đủ lượng dự trữ gạo trong kho, trong đó có hơn 2,5 triệu ha lúa mới được thu hoạch.”

Trong khi đó, tại Thái Lan, Bộ Y tế nước này đã cảnh báo rằng số lượng các ca nhiễm COVID-19 theo ngày có thể vượt quá 20.000 nếu không có các biện pháp phòng chống và người dân vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Y tế cũng đưa ra 5 kịch bản về đợt bùng phát COVID-19 thứ 3 sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran, trong đó nêu lên các mức độ lây nhiễm tùy theo các biện pháp được áp dụng.

Với kịch bản tốt nhất, việc đóng cửa các địa điểm vui chơi giải trí, hủy bỏ các bữa tiệc riêng tư, cắt giảm các hoạt động tập thể và yêu cầu mọi người làm việc tại nhà sẽ giảm số lượng ca mắc mới trung bình hàng ngày xuống 391 ca.

Theo kịch bản xấu nhất, số lượng ca mắc mới trung bình theo ngày sẽ là 9.140 nếu các địa điểm vui chơi giải trí vẫn được phép mở cửa.

Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DCD) Opas Karnkawinpong cho biết các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng làn sóng COVID-19 mới nhất bùng phát từ những người ở độ tuổi từ 20 đến 29 - nhóm đối  tượng rất năng động và có nhiều tiếp xúc.

Ngoài ra, việc toàn bộ gia đình bị nhiễm bệnh cũng đang trở nên phổ biến hơn.

Trong khi đó, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn quốc tiếp tục lập kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, với 1.543 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 15/4, nâng tổng số các ca nhiễm ở Thái Lan từ trước tới nay lên 37.453.

Các ca nhiễm mới được ghi nhận tại 62/77 tỉnh trong cả nước, trong đó có 1.161 ca được xác nhận tại các bệnh viện, 379 ca được phát hiện tại các cộng đồng và 3 ca ngoại nhập.

Trong số các ca nhiễm mới ghi nhận ngày 15/4, thủ đô Bangkok chiếm nhiều nhất với 409 ca, tiếp theo là Chiang Mai (278 ca), Chon Buri (98 ca), Prachuap Khiri Khan (98) và Samut Prakan (24 ca).

Kể từ ngày 1/4 đến nay, đợt bùng phát COVID-19 thứ 3 đã lây lan ra 75/77 tỉnh của Thái Lan, nhiều hơn số tỉnh có ca mắc trong làn sóng thứ 2.

Hiện chỉ còn 2 tỉnh ở miền Nam là Ranong và Satun chưa ghi nhận ca COVID-19 nào trong đợt dịch mới.

Để đối phó với việc số lượng các ca nhiễm mới đang tăng lên, thủ đô Bangkok đã thành lập các bệnh viện dã chiến tại Viện Lão khoa Bang Khun Thian, Bệnh viện Rachaphiphat, Sân vận động Chalerm Phrakiat Bang Bon và Nhà thi đấu Bangkok.

Ngoài ra, các bệnh viện dã diễn cũng được lập tại những tỉnh có số lượng các ca nhiễm cao như Chiang Mai và Khon Kaen.

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này ngày 15/4 thông báo ghi nhận 11.429 ca nhiễm mới COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 904.285 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 148 người tử vong do COVID-19 đưa tổng số người không qua khỏi lên 15.594.

Philippines tiếp tục phải đối mặt với sự gia tăng các ca bệnh trong khi đang áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm kiềm chế sự lây lan trong cộng đồng.

Tỉ lệ lây nhiễm tại Philippines bắt đầu tăng từ cuối tháng 2, buộc chính phủ phải tái áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm hạn chế sự di chuyển của người dân tại vùng đô thị Manila và 4 tỉnh lân cận. 

Bộ Y tế cho biết các ổ lây nhiễm xuất phát từ nơi làm việc, các cuộc tụ tập không cần thiết, các hộ gia đình và các hệ thống giao thông.

Philippines tiếp tục tăng cường công suất của các bệnh viện tại vùng đô thị Manila, trung tâm dịch để đối phó với sự gia tăng theo cấp số mũ các ca nhiễm./.  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục